Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng chí Nguyễn Thế Thảo xin thôi chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội

V.An| 27/11/2015 16:37

(HNMO) - Đó là thông tin do Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho biết tại buổi họp báo trước Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội chiều nay 27-11.

 Nguyễn Hoài Nam cho biết tại buổi họp báo trước Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội chiều nay 27-11. 


Đồng chí Nguyễn Thế Thảo.


“Đơn của đồng chí Nguyễn Thế Thảo đã được Trung ương đồng ý. Về nhân sự Chủ tịch UBND thành phố, Thành ủy Hà Nội giới thiệu đồng chí Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố” - Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam cho biết. 


Sau khi được Thành ủy Hà Nội giới thiệu, HĐND thành phố Hà Nội sẽ thực hiện việc bầu Chủ tịch thành phố theo đúng quy trình. Được biết, sau khi có kết quả bầu cử, tân Chủ tịch UBND Thành phố sẽ có phát biểu và hứa trước HĐND Thành phố về việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Các nội dung khác được nhiều phóng viên quan tâm tại buổi họp báo trước kỳ họp 14 HDND Thành phố Hà Nội là việc khắc phục đường ống dẫn nước sạch Sông Đà liên tục bị vỡ; việc giải quyết tình trạng ách tắc giao thông; hạn chế việc xây dựng sai phép các nhà chung cư cao tầng.

Sẽ phạt nguội các vi phạm giao thông bằng hình ảnh

Về giải quyết tình trạng un tắc giao thông, Trưởng Ban Pháp chế HĐND Thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm thiểu ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, Thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào 3 nội dung chính: đầu tư một số dự án cầu vượt tại những điểm nút quan trọng (16 dự án); khớp nối hạ tầng các điểm đầu mút giao thông và tiếp tục lắp đặt camera tại các nút giao thông, kết nối về trung tâm giao thông của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) để điều tiết trực tiếp giao thông, chuẩn bị triển khai áp dụng hình thức xử lý vi phạm giao thông bằng hình ảnh (phạt nguội).

Hạn chế điều chỉnh quy hoạch các chung cư từ  vành đai 3 vào trung tâm

Để khắc phục tình trạng vi phạm xây dựng tại các dự án chung cư cao tầng, Trưởng Ban Pháp chế HĐND Thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết, Thành phố đã có giải pháp hạn chế điều chỉnh quy hoạch nâng tầng từ vành đai 3 vào trung tâm. Đồng thời, khi di dời trụ sở các cơ quian, trường học, cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô, Hà Nội kiến nghị Chính phủ bàn giao lại đất thu hồi cho Thành phố quản lý để ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, khu cộng đồng, hạn chế xây dựng chung cư.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, HĐND Thành phố có chức năng thông qua các quy hoạch nhưng việc điều chỉnh quy hoạch lại thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố và đây chính là kẽ hở về quản lý. Sắp tới, HĐND Thành phố sẽ tăng cường giám sát và quản lý chặt hơn.

Về vấn đề cải tạo các khu chung cư cũ, ông Nguyễn Tuấn Thịnh, Phó Ban kinh tế Ngân sách HĐND Thành phố cho biết, hiện vướng mắc nhất trong quá trình cải tạo các khu nhà này là khâu kinh phí và cơ chế để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, người dân và chủ đầu tư. Khi nhận cải tạo các chung cư cũ, nhà đầu tư thường muốn nâng tầng, tăng mật độ dân cư… Những mong muốn này lại vướng quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, vừa qua, Chính phủ đã có quy định mới để tháo gỡ nút tắc này.

Để đảm bảo an toàn cho các khu chung cư cũ, Thành phố đã tăng cường kiểm tra định kỳ. Tại các khu nhà được đánh giá là nguy hiểm có dân ở, cơ quan chức năng đã tiến hành di dời dân.

Biên chế năm tới giảm 1,5%

Đồng chí Trưởng Ban Pháp chế HĐND Thành phố cho biết, trong tháng này, Thủ tướng đã có nghị quyết về biên chế cho năm tới. Căn cứ vào biên chế năm cũ, biên chế năm tới sẽ bắt buộc phải cắt giảm 1,5% so với năm trước.

Theo lộ trình tinh giản biên chế, từ nay đến năm 2020 các địa phương, đơn vị không được tăng biên chế. Các địa phương phải tự điều chỉnh biên chế trong nội bộ.

Trọng tâm chất vấn kỳ họp 14 là tái chất vấn

Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Lê Văn Hoạt cho biết, hiện HĐND Thành phố đang tổng hợp các chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cũng như các báo cáo giám sát, kết luận của HĐND Thành phố và các ban HĐND Thành phố từ đầu kỳ cùng các kiến nghị được cử tri đặc biệt quan tâm để tiến hành chất vấn tại kỳ họp 14.

Vì vậy, nội dung chất vấn kỳ này sẽ chủ yếu là tái chất vấn về những gì làm được, chưa làm được. Những vấn đề được đặc biệt quan tâm là phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông, trật tự xây dựng đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phiên chất vấn sẽ diễn ra trọn một ngày.

Theo chương trình dự kiến, kiến kỳ họp thứ 14 HĐND Thành phố Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 01-05/12.

Tại kỳ họp, HĐND Thành phố sẽ xem xét, thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, thực hiện dự toán ngân sách năm 2015, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, dự toán và phân bổ dự toán thu, chi ngân sách năm 2016 của Thành phố; thảo luận và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền HĐND Thành phố;

Đồng thời, thực hiện giám sát Thường trực HĐND Thành phố, UBND Thành phố, Toàn án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố và các cơ quan chức năng; chất vấn trực tiếp tại kỳ họp ề tình hình thực hiện nghị quyết HĐND Thành phố, các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố, tình hình giải quyết các vấn đề bức xúc được dư luận, cử tri và đại biểu quan tâm và làm công tác nhân sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng chí Nguyễn Thế Thảo xin thôi chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.