Hệ đo lường quốc tế SI, còn gọi là hệ Mét, ra đời từ năm 1640 bởi các nhà khoa học Pháp. Trải qua quá trình phát triển, từ năm 1791, hệ đo lường Mét chính thức được hình thành bởi một hội đồng của Viện Hàn lâm khoa học Pháp, với nhiều nhà khoa học, trong đó có hai nhà toán học P.S. Laplace và A.M. Legendre.
Các nhà khoa học đã cố gắng tạo ra một hệ thống đo lường thống nhất và hợp lý. Năm 1960, Viện Đo lường quốc tế đã chính thức lựa chọn các đơn vị đo lường cơ bản và hình thành nên tên gọi SI. Một số đơn vị đo trong hệ SI được bổ sung vào năm 1971 và những lần sau. Một số đơn vị đo cơ bản được định nghĩa lại nhưng vẫn giữ nguyên giá trị thực.
Gọi là hệ Mét để thấy vai trò quan trọng của đơn vị đo chiều dài đối với hệ đo lường. Trước đó, năm 1670, giáo sĩ người Pháp Gabriel Mouton đã đề xuất sử dụng đường kinh tuyến gốc, là kinh tuyến đi qua Pari, để định nghĩa đơn vị đo chiều dài. Theo đó, 1 mét được định nghĩa là chiều dài bằng 1/10 triệu của khoảng cách từ địa cực tới xích đạo đi theo một nửa đường kinh tuyến gốc. Một cái thước bằng platin đã được sản xuất để định nghĩa 1 mét và được dùng trong thời gian dài. Từ năm 1983, 1 mét trong SI chính thức được định nghĩa là quãng đường đi được của tia sáng trong chân không với thời gian 1/299 792 458 giây.
Đơn vị đo chiều dài là một trong số những đơn vị đo ra đời sớm nhất. Từ xa xưa, khi con người hình thành nên những nền văn minh khác nhau, cùng với sự ra đời của hệ ghi số đếm, những đơn vị đo như khối lượng, chiều dài cùng những phương pháp đo dần được ra đời. Khoảng 5500 năm trước, khi cư dân vùng Lưỡng hà hình thành nên những làng nông nghiệp sống định cư thì hình thành nhu cầu đo đạc ruộng đất và tính toán để xây dựng nhà cửa, thành phố, làm đường... Nền nông nghiệp ở đây phát triển dựa vào sự phì nhiêu của đất đai. Khi sản vật làm ra nhiều hơn, con người có nhu cầu bán đi nông sản thừa để mua những vật phẩm khác. Babylon đã được hình thành như một trung tâm thương mại thời bấy giờ. Các thương nhân từ khắp nơi đến để trao đổi ngũ cốc, cá khô, vải vóc, gạch ngói và vàng. Để bảo đảm công bằng trong trao đổi, con người cần có những đơn vị đo chuẩn mực và thuận tiện. Với chiều dài, con người từng có nhiều cách khác nhau để chọn làm đơn vị đo, trong đó, dùng bộ phận cơ thể để đo chiều dài là phổ biến nhất. Rất nhiều nền văn minh từng sử dụng foot, chiều dài trung bình của một bàn chân người làm đơn vị đo chiều dài. Hiện nay, đơn vị đo chiều dài này vẫn được sử dụng trong hệ đo lường ở Anh, Mỹ và một số quốc gia.
Kết quả kỳ trước. Một số đơn vị đo khối lượng: g, mg, kg, yến, tạ, tấn, cây (lượng), chỉ, phân.
Kỳ này. Em biết những đơn vị đo chiều dài nào? (Câu trả lời gửi về chuyên mục "Toán học, học mà chơi", tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.