(HNMO) - Báo cáo của Chính phủ nhận định, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, tình hình đơn, thư khiếu nại về đất đai có xu hướng giảm so với giai đoạn trước nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số đơn, thư khiếu nại, với trên 60%.
Đầu giờ sáng nay, đã có 33 đại biểu đăng ký phát biểu thảo luận. |
Báo cáo số 143/BC-CP của Chính phủ gửi Quốc hội nêu, ngay sau khi Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời, tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến thi hành Luật Đất đai; hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chấn chỉnh công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất, bảo đảm công khai, minh bạch dân chủ, công bằng và kịp thời trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…
Từng giai đoạn, từng thời điểm Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Chính phủ nhận định, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, tình hình đơn, thư khiếu nại về đất đai có xu hướng giảm so với giai đoạn trước (từ 2009 đến năm 2013) nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số đơn, thư khiếu nại (trên 60%).
Nội dung khiếu nại chủ yếu về giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; khiếu nại đòi lại đất cũ đã qua các thời kỳ thực hiện chính sách cải tạo nông nghiệp, cho thuê, cho mượn... Gần đây, phát sinh một số khiếu nại liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi tài sản công, cải tạo chung cư cũ, quy hoạch đất ở...
Luật Đất đai năm 2013 sau 6 năm có hiệu lực thi hành cũng ghi nhận số lượng giao dịch chính thức đã tăng lên rõ rệt, đặc biệt tại những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao, giá đất có nhiều biến động.
Căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, các địa phương đã chủ động trong công tác thu hồi để giao đất, cho thuê đất để nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo quy định.
Báo cáo nêu, thành phố Hà Nội đã thực hiện 4.188 dự án với diện tích 13.462,49 ha. Hằng năm, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Từ tháng 7-2014 đến tháng 5-2018, Hà Nội đã đấu giá quyền sử dụng đất được khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Từ năm 2010 - 2016, trên địa bàn thành phố có 2.571 dự án phải thực hiện thu hồi đất giải phóng mặt bằng; đã hoàn thành công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tại 1.621 dự án, với tổng diện tích đất đã thu hồi đạt hơn 8.060 ha (trong đó có 55 dự án, công trình trọng điểm của Chính phủ và thành phố, với diện tích thu hồi 3.571 ha đất).
Chính phủ nêu, trong giai đoạn từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu đến hết năm 2018, ngành Thanh tra đã tiến hành 4.289 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai. Ngành Thanh tra đã phát hiện sai phạm về đất đai hơn 1.373 tỷ đồng, 40.185 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 368 tỷ đồng, 9.022 ha đất và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 1.004 tỷ đồng, 31.163 ha đất; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm, xử lý hành chính 2.931 tổ chức, 14.120 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 71 vụ, 91 đối tượng.
Qua công tác thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã xác định một số tồn tại, hạn chế như chất lượng quy hoạch còn thấp, tính dự báo chưa cao, nhiều chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt và thực tế thực hiện có sự khác biệt lớn.
“Đất đai là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm, mang tính chất lịch sử. Khi giải quyết các vấn đề về đất đai cần xem xét một cách toàn diện, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội vừa phải đảm bảo ổn định chính trị” - Báo cáo Chính phủ nêu.
Sáng 27-5, bước sang tuần làm việc thứ hai, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Trong ngày hôm nay, các đại biểu sẽ dành trọn một ngày để thảo luận tại hội trường về nội dung này. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.