(HNM) - Thời gian qua, tình trạng thổi phồng tác dụng của các loại thực phẩm chức năng, thuốc, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19 xuất hiện ngày càng nhiều trên internet, mạng xã hội. Với quyết tâm dọn "rác Covid-19" trên internet, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử, website thương mại điện tử rà soát, gỡ bỏ 13.796 sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19 có dấu hiệu vi phạm trên 4.216 gian hàng; tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên không gian mạng...
Giao dịch sôi động
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, hiện có rất nhiều cá nhân, đơn vị kinh doanh lén lút hoặc công khai đăng bán sản phẩm là thực phẩm chức năng, kit test Covid-19, thiết bị đo nồng độ ô xy trong máu (SPO2)… trên mạng xã hội và các sàn giao dịch điện tử. Gõ vào Google từ khóa mua kit test Covid-19, ngay lập tức hiện ra hàng loạt sản phẩm được rao bán có xuất xứ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ… Rất nhiều trong số đó là những sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành.
Tại nhóm Facebook “Chợ thuốc Hapulico (530)”, sản phẩm kit test Covid-19 Vũ Hán, Genbody Covid-19 Ag, Biocredit… cũng được rao bán buôn, lẻ...
Chị Trần Trang Nhung (ở phố Kiều Mai, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, thông qua nhóm Zalo chị tìm hiểu được biết có nhiều tài khoản đăng rao bán các thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe như viên uống bổ phổi của Nhật Bản, đông trùng hạ thảo dạng viên và nước. Người bán quảng cáo đó là những sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19, đặc biệt tốt cho người đã khỏi bệnh.
Tương tự, các loại máy đo SPO2 giá rẻ 30.000-50.000 đồng/máy cũng được bán với số lượng lớn trên mạng xã hội. Cụ thể, tài khoản Facebook tên Hà Thu bán máy đo SPO2 Jumper giá trên 30.000 đồng/máy. Anh Trần Văn Dương (ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình) cho biết, do gia đình có người bị mắc Covid-19 nên anh tìm mua máy đo SPO2 trong nhóm Facebook “Mua bán máy đo SPO2” thì có hàng chục loại máy với giá từ 100.000 đồng đến 600.000 đồng/máy được bán rộng rãi mà không rõ chất lượng ra sao.
Theo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, một số đối tượng đã quảng cáo, rao bán các loại thuốc điều trị Covid-19 và quảng cáo trên các trang thương mại điện tử cũng như các nền tảng tiếp thị online tự động dẫn đến tình trạng không kiểm soát được chất lượng cũng như nguồn gốc hàng hóa. Từ đầu năm 2022 đến ngày 18-3, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra và thu giữ 6.365 hộp thuốc điều trị Covid-19, 118.285 que test nhanh Covid-19, 140 máy đo SPO2 là hàng hóa nhập lậu, không niêm yết giá tại nhà thuốc, vi phạm về nhãn hàng hóa.
Thượng úy Đoàn Ngọc Tú (Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hai Bà Trưng) cho biết, đầu tháng 3-2022, Công an quận Hai Bà Trưng đã liên tiếp phát hiện và thu giữ 4 vụ mua bán, vận chuyển kit test nhanh Covid-19 và hàng trăm hộp thuốc Liên Hoa Thanh Ôn (được giới thiệu là thuốc điều trị Covid-19) không có hóa đơn, chứng từ. Các đối tượng chủ yếu gom mua hàng trôi nổi trên internet và rao bán qua các trang Zalo, Facebook.
Kiểm tra, xử lý nghiêm
Trước thực tế này, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế, thương mại điện tử, sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh (mạng xã hội Facebook, Zalo), không để các đối tượng xấu lợi dụng dịch bệnh trục lợi. Bên cạnh đó, Cục yêu cầu các đơn vị vận động doanh nghiệp, hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại phiên họp thứ chín, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, trong đó có nội dung liên quan đến vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tổ chức thực hiện trên toàn quốc kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025. Các đơn vị thực hiện chia theo từng nhóm mặt hàng để rà soát đối tượng, phương thức hoạt động, lập phương án kiểm tra, xử lý vi phạm.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, hành vi bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị xử lý theo các quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Điều 59 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong trường hợp cơ quan chức năng xác minh, thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự.
Mong rằng các cơ quan chức năng quyết liệt kiểm tra và phối hợp cùng lực lượng công an để xử lý nghiêm hành vi vi phạm nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.