Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đòn quyết định buộc Mỹ “xuống thang”

PGS.TS Hà Minh Hồng| 27/01/2018 07:38

(HNM) - Từ cuối năm 1960, chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam bắt đầu leo thang, năm 1965 tăng tốc, cuối năm 1967 đã lên những nấc thang cao nhất. Và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đồng loạt diễn ra khắp miền Nam như một đòn quyết định buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh...


Mỹ “leo” từng nấc thang chiến tranh

Từ cuối năm 1960, đối phó với phong trào đồng khởi của nhân dân và chuyển thế chiến lược của cách mạng miền Nam, Mỹ đã chuyển sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, dùng quân đội Sài Gòn làm xương sống cho chiến tranh thực dân mới, hòng dập tắt cuộc đấu tranh yêu nước của quân dân miền Nam. Đồng thời, tung lực lượng gián điệp, biệt kích, người nhái ra miền Bắc hoạt động phá hoại; cho máy bay, tàu chiến hoạt động ra ngoài vùng Vĩ tuyến 20 do thám và khiêu khích quân sự, sẵn sàng cho những bước phiêu lưu mới.

Biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tại TP New York (Mỹ) năm 1968.
Nguồn AP


Cuối năm 1963 đến cuối năm 1964, để cứu nguy cho chính quyền và quân đội Sài Gòn sau đảo chính, Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ để thúc đẩy Quốc hội Mỹ ra Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, “trả đũa” các hoạt động của quân Giải phóng ở miền Nam, ráo riết chuẩn bị nguyên cớ cho bước leo thang mở rộng chiến tranh. Từ đầu năm 1965, Mỹ đưa quân vào miền Nam và chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”; lôi kéo quân đội các nước Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, New Zealand, Australia… vào chiến tranh Việt Nam; gây ra chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện Bắc - Nam. Những năm 1965-1967, thực binh Mỹ tăng nhanh từ vài chục vạn quân đến nửa triệu quân, thực hiện liên tiếp các cuộc phản công tìm diệt quân Giải phóng miền Nam, đánh thẳng vào các căn cứ địa cách mạng ở miền Nam; mở nhiều chiến dịch đánh phá bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, ra sức ngăn chặn sự chi viện sức người sức của từ hậu phương ra tiền tuyến.

Thực tế cho thấy, việc leo thang bằng cách tăng quân và vũ khí phương tiện chiến tranh hiện đại, tác chiến theo cách thức của đội quân nhà nghề, đến năm 1967 Mỹ vẫn còn khả năng leo thang cao nữa (chưa có giới hạn dừng lại). Tham vọng và quyền lợi của Mỹ trong chiến lược toàn cầu cùng với vấn đề thắng - thua trong cuộc chiến tranh Việt Nam, không cho phép Mỹ ngừng lại. Trong khi đó, so sánh tương quan lực lượng trên chiến trường miền Nam đang chênh lệch rất lớn có lợi cho Mỹ; Tổng thống Lyndon B.Johnson và tướng William Westmoreland yêu cầu tăng thêm 206.000 quân để “sẽ chiến thắng bằng quân sự”. Nhưng hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965-1966 và 1966-1967) quy mô ngày càng lớn với hàng loạt chiến dịch như Cedar Fall, Attleboro, Junction City, quân đội Mỹ vẫn không thắng, không thay đổi được cục diện chiến trường, khiến cho Mỹ bị sa lầy vào cuộc chiến ở Việt Nam.

Chính trong tình thế Mỹ “ngập ngừng về chiến lược” như vậy, phát hiện “xu thế của tình hình trong cả năm 1968 là địch sẽ ngày càng chuyển vào phòng ngự một cách bị động hơn trước”; Bí thư Thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn nửa cuối năm 1967 đã phân tích: “Mỹ không còn con đường nào khác là phát huy sức mạnh quân sự. Đối phó với âm mưu này của Mỹ, ta phải đưa hoạt động quân sự lên một bước mới, đến mức Mỹ không chịu nổi và phải chấp nhận thất bại về quân sự, cô lập về chính trị. Nếu ta thực hiện được, Mỹ sẽ phải rút khỏi miền Nam”.

Cuối năm 1967, Trung ương Đảng đề ra chủ trương: “Phải tìm cách đánh mới khác cách đánh truyền thống là đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ bằng phương pháp tổng tiến công đồng loạt đánh vào các trung tâm đầu não chính trị, quân sự ở các thành phố, thị xã... tạo ra bất ngờ lớn đối với địch, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng, làm rung chuyển nước Mỹ. Qua đó, ta chứng minh cho Mỹ thấy chúng không thể thắng trong cuộc chiến tranh này”. Tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 1-1968), Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn khẳng định: “Muốn thắng nó, làm sập nó dữ, không phải đánh thường thường như bây giờ, mà phải chuyển qua một giai đoạn mới, giai đoạn đó là chuyển qua tổng công kích, tổng khởi nghĩa”.

Ý tưởng về một cuộc Tổng công kích tổng khởi nghĩa ở miền Nam hình thành từ cuối năm 1965 (Kế hoạch X), nhưng đến cuối năm 1967 đầu 1968, mọi việc chuẩn bị trực tiếp cho kế hoạch hành động ấy mới đi vào thực tế và thực hiện rốt ráo. Toàn miền Nam cả nông thôn và thành thị, cả khu trọng điểm Sài Gòn - Gia Định đều ra sức chuẩn bị cho một mùa xuân lịch sử với khí thế chiến thắng.

Và “xuống thang”...

Mặc dù từ cuối năm 1967, Mỹ đã xuất hiện dấu hiệu bi quan trong chiến tranh và muốn thương lượng trên thế mạnh quân sự, nhưng chưa phải dấu hiệu xuống thang chiến tranh. Đến khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đồng loạt diễn ra khắp miền Nam khiến nước Mỹ bàng hoàng, quân Mỹ và quân Sài Gòn ở miền Nam hoảng loạn, chính giới Mỹ bị tác động mạnh mẽ, nhân dân Mỹ bị mất niềm tin sâu sắc. Hàng loạt hoạt động xuống thang chiến tranh của Mỹ bắt đầu.

Tháng 2-1968, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ yêu cầu điều trần về chính sách của Mỹ ở Việt Nam; Quốc hội Mỹ phản đối yêu cầu tăng thêm 206.000 quân. Tháng 3-1968, Tổng thống Lyndon B.Johnson triệu hồi tướng William Westmoreland và nhóm họp Hội đồng An ninh quốc gia xem xét lại toàn bộ chiến tranh Việt Nam. Đặc biệt, ngày 31-3-1968, Tổng thống L.Johnson có bài phát biểu trên truyền hình liên bang về những quyết định hệ trọng bậc nhất của quốc gia: Đơn phương chấm dứt ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; sẵn sàng cử đại diện đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... và tuyên bố: “Sẽ không tìm kiếm và sẽ không chấp nhận sự đề cử của Đảng tôi ra ứng cử Tổng thống một nhiệm kỳ mới nữa”.

Quyết định ngày 31-3-1968 là biểu hiện cao nhất, rõ ràng nhất của chuỗi dài xuống thang chiến tranh của Mỹ trước tác động của đòn tấn công Tết Mậu Thân 1968. Điều rất khó xảy ra, đã thực sự xảy ra - Mỹ buộc phải có quyết định bất ngờ và không thể khác được trước tác động mạnh mẽ của đòn tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Việt Nam đạt được mục đích kéo Mỹ xuống thang chiến tranh (lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh của Mỹ). Tổng tấn công Mậu Thân 1968 còn có ý nghĩa làm ngã ngũ thắng - bại trong cuộc chiến tranh này.

Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá: “Tết Mậu Thân thắng rất lớn, không phải chỉ ở chiến thuật mà nhất là đã đánh bại được ý chí xâm lược của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quyết định của chiến tranh”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đòn quyết định buộc Mỹ “xuống thang”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.