Nông thôn mới

Dồn lực để "về đích" nông thôn mới đúng hạn

Nguyễn Mai 24/11/2023 06:40

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2025. Hiện tại, tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội đạt được là rất khả quan. Thành phố cũng đang tập trung các nguồn lực với nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu đúng hạn.

doan-tham-dinh-nong-thon-mo.jpg
Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội thẩm định xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì).

Những kết quả khả quan

Thành phố Hà Nội đã hoàn thành thẩm định nông thôn mới kiểu mẫu tại 8 xã của huyện Thanh Trì. Tất cả các xã này đều đủ điều kiện để trình Hội đồng thẩm định thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Đặc biệt, có 2 xã: Yên Mỹ và Đại Áng chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện 8/8 lĩnh vực: Môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, chuyển đổi số, an ninh trật tự, sản xuất. Đây là 2 xã đầu tiên của Hà Nội đạt kiểu mẫu toàn diện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, cả 8 xã được đánh giá nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện Thanh Trì năm 2023 đều mới đạt nông thôn mới nâng cao năm 2022. Phát huy kết quả đạt được, các xã tiếp tục chọn thế mạnh của địa phương để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Với cách làm bài bản, cộng với nền tảng vững chắc từ các năm trước, nên khi đối chiếu với hướng dẫn đánh giá, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu, các địa phương đều đạt tiêu chí đề ra.

Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin, Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp thành phố. Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội cần có 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, việc triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố đạt kết quả khả quan.

Đối với yêu cầu 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay, Hà Nội đã có 17/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Về chỉ tiêu có 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hiện có 6 huyện phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao, gồm: Gia Lâm, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai.

Trong đó, có 3 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì đã được Đoàn thẩm định thành phố thẩm định đủ điều kiện đề nghị các cấp công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai đang tập trung hoàn thiện hồ sơ và các chỉ tiêu để hoàn thành hồ sơ trong các tháng cuối năm 2023 và quý I-2024.

Còn đối với chỉ tiêu 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã nông thôn mới kiểu mẫu, đến hết năm 2022, thành phố có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2023, thành phố giao các huyện, thị xã hoàn thành 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố đang tập trung đánh giá tại các địa phương, dự kiến hoàn thành kế hoạch đề ra.

Xác định rõ nhóm giải pháp

Cùng với những kết quả đã đạt được, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, thành phố đã xây dựng xong Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 để trình HĐND thành phố thông qua trong kỳ họp tới đây. Đề án đã xác định rõ 14 nhóm giải pháp. Theo đó, thành phố Hà Nội tập trung phát triển hạ tầng nông nghiệp nông thôn; phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics; phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới.

Hà Nội cũng nâng cấp cơ sở vật chất ngành Giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực ở nông thôn… Cùng với đó, thành phố chú trọng đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc; nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam; thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu… Nguồn vốn để triển khai đề án khoảng 92.680 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn huy động ngoài ngân sách.

Phát biểu tại hội nghị giao ban quý III của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” của Thành ủy Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, trong năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cần cân đối nguồn lực, ưu tiên cho các nhóm vấn đề liên quan đến Chương trình số 04-CTr/TU, nhằm hỗ trợ các huyện hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Trên cơ sở những nhiệm vụ, giải pháp đã được chỉ rõ, thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dồn lực để "về đích" nông thôn mới đúng hạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.