Ngày 14-8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP về việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.
Sẽ có 13 cửa khẩu đường hàng không, 16 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển được phép cho người nước ngoài được nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.
Cũng trong ngày 14-8, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP sửa đổi điều 1 Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15-3-2022. Theo đó, từ ngày 15-8 sẽ miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hòa Liên bang Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Trước đó, ngày 24-6-2023, Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Quy định mới cho phép thời hạn tạm trú đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được mở rộng lên 45 ngày, tăng 30 ngày so với thời hạn quy định trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.
Việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày được đánh giá là ngang mức trung bình trong khu vực, sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh trong thu hút du khách quốc tế, tạo thuận lợi cho du khách chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng dài ngày tại nước ta. Điều này không chỉ có lợi cho du khách, ngành Du lịch mà còn góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế dịch vụ khác.
Có thể thấy, những chính sách trên đã giúp mở rộng cánh cửa, thể hiện thái độ thiện chí sẵn sàng chào đón bạn bè quốc tế vào Việt Nam, đặc biệt là sau giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, việc khách có tới nhiều hay không, ở lại hay đi luôn... phụ thuộc rất lớn vào chất lượng dịch vụ và ứng xử của chủ nhà, mà chủ nhà ở đây cần được hiểu bao gồm cả các cơ quan chức năng, ngành Du lịch, các cơ sở lưu trú, lữ hành đến mỗi người dân.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang cố gượng dậy sau những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và các vấn đề quốc tế phức tạp khác, các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những nước có thế mạnh phát triển ngành “công nghiệp không khói”, đều nỗ lực tìm kế sách để thu hút dòng tiền đến từ du khách và các nhà đầu tư quốc tế. Và nước ta cũng không phải ngoại lệ. Nhiều chiến dịch truyền thông, chương trình kích cầu đã được tiến hành, nhưng để có sự phát triển ổn định, điều cần thiết nhất chính là “hữu xạ tự nhiên hương”. Nếu vui vẻ, hài lòng, khách sẽ ở lại lâu, thậm chí sẽ còn quay lại, thế nhưng, ở chiều ngược lại, nếu khách không vui, không hài lòng thì dù có mở rộng cửa, có gọi mời, chèo kéo đến mấy họ vẫn ngó lơ. Nói vậy để thấy trách nhiệm của mỗi cá nhân là không hề nhỏ.
Theo Công an thành phố Hà Nội, rạng sáng ngày 13-8 vừa qua, một công dân ở phố Trần Nhật Duật nhặt được 1 chiếc điện thoại Iphone 13 trên phố Chả Cá đã mang đến Công an phường Hàng Đào giao nộp. Sau khi rà soát, Công an phường đã liên lạc và trao trả lại cho chủ nhân là một nữ du khách 25 tuổi người Hà Lan. Rõ ràng những việc làm nhỏ nhưng đầy ý nghĩa như thế cần được nhân rộng, lan tỏa, thay vì những hành ảnh xấu xí như hiện tượng chặt chém du khách... đôi khi vẫn xuất hiện ở chỗ này, chỗ kia.
Không phải cứ mở cửa là khách sẽ ghé thăm. Mà quan trọng là thái độ ứng xử, cách tiếp đón của chủ nhà như thế nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.