Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dồn điền, đổi thửa ở Ngọc Động (Ứng Hòa): Tích tụ tiềm lực

Bạch Thanh| 08/10/2010 09:20

(HNM) - Dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) tích tụ ruộng đất tập trung là hướng đi tất yếu để đưa sản xuất nông nghiệp đang manh mún, nhỏ lẻ thành sản xuất hàng hóa, quy mô lớn.

Trở lại cái nôi của phong trào DĐĐT khu vực Đồng bằng sông Hồng, HTX Ngọc Động, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa (thuộc tỉnh Hà Tây trước đây, nay thuộc Hà Nội) sau gần 10 năm triển khai DĐĐT chúng tôi chứng kiến một vùng chuyên canh thủy sản lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Hiện nay, DĐĐT tích tụ ruộng đất được coi là một nhân tố quan trọng trong xây dựng mô hình nông thôn mới.

Trang trại nuôi thủy sản được hình thành nhờ dồn điền, đổi thửa ở Ngọc Động (Ứng Hòa).

HTX Ngọc Động là một trong những địa phương đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Hồng thực hiện DĐĐT, dưới tên gọi "dồn ô thửa nhỏ, thành ô thửa lớn". Ban đầu, cái mới bao giờ cũng gặp trở ngại nhưng cũng không thể để tình trạng một nhà có tới 10 - 15 thửa ruộng bé bằng bàn tay ở nhiều xứ đồng khác nhau, vừa mất công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế thấp - ông Lê Văn Tín, Chủ nhiệm HTX, kiêm Bí thư chi bộ HTX Ngọc Động đơn vị đầu tiên "giơ đầu chịu báng" ở Phương Tú bộc bạch. Đến nay, sau 3 lần dồn đổi, số thửa ở Ngọc Động chỉ còn từ 1 đến 4 ô thửa/hộ (trước đây là 20 - 25 ô thửa). Không những thế, phong trào còn lan rộng ra toàn xã. Từ mô hình thành công ở Ngọc Động, xã Phương Tú đã triển khai công tác DĐĐT tới 5 HTX còn lại.

Ngọc Động có sự phân công lao động khá hiệu quả. 1/3 dân số trong thôn đi làm ăn ở thành phố, khoảng 1/3 tham gia sản xuất TTCN, dịch vụ tại địa phương và chỉ có 1/3 dân số tham gia sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ gia đình làm ăn xa đã dồn ruộng cho anh em làm trang trại. Làm tốt công tác DĐĐT nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi  trên vùng đất trũng "chiêm khê mùa thối" đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Ngọc Động, giá trị sản xuất tăng 2,5 lần so với thâm canh truyền thống. Trên các cánh đồng trũng, trước kia cấy lúa 1 vụ bấp bênh, nay đã trở thành những trang trại nuôi thủy sản, thủy cầm kết hợp trồng cây ăn quả. Bà con nông dân không chỉ nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống mà còn nuôi các loại đặc sản như ba ba, ếch, cá sấu. Sau chuyển đổi, các hộ nằm trong vùng sản xuất đa canh đã yên tâm đầu tư xây dựng bờ vùng, bờ thửa, xây dựng kênh mương kiên cố để chủ động điều tiết nước. Ngọc Động trở thành mô hình phát triển sản xuất nông sản hàng hóa tập trung đạt hiệu quả cao, tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở vùng nông thôn. Điển hình là trang trại của gia đình ông Lê Văn Trường đã quy hoạch 2ha xây dựng chuồng trại để chăn nuôi cá sấu, ếch và ba ba, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trừ chi phí đạt thu nhập gần 50-70 triệu đồng/ha/năm.

Trước đây, Ngọc Động là làng thuần nông, nghèo nhất huyện Ứng Hòa. Nhưng từ khi thực hiện DĐĐT, quy hoạch các vùng chuyên canh để chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm tập trung đã trở thành làng quê trù phú. Đồng ruộng quy hoạch tốt nên nông dân đi xe máy đi cấy, nhiều công đoạn được cơ giới hóa. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 12 triệu đồng/người/năm, số hộ giàu, khá đạt trên 70%. 

Qua thực tế chỉ đạo và điều hành công tác DĐĐT, ông Lê Văn Tín, Chủ nhiệm HTX Ngọc Động rút ra một số kinh nghiệm.

- Một là, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức rõ chủ trương này. Đây không phải là chia lại ruộng đất mà là tập trung ruộng đất của hộ nông dân, xóa bỏ tình trạng ruộng đất manh mún, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lại sản xuất của từng hộ, từng thôn, đưa tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích và thực hiện các quyền mà Luật Đất đai quy định.

Hai là, trong quá trình thực hiện phải bảo đảm dân chủ, công khai, đoàn kết và cùng có lợi, để nông dân tự giác thực hiện. Cán bộ, đảng viên cần gương mẫu đi đầu, đóng vai trò nòng cốt.

Ba là, phải gắn chặt với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý ruộng đất, thực hiện tổ chức và chỉ đạo sản xuất theo kế hoạch; ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực trong quản lý và sử dụng đất.

Bốn là, khuyến khích những hộ có điều kiện về nhân lực và phương tiện sản xuất nhận ruộng xa, ruộng xấu, ruộng cao, ruộng trũng để cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hoặc xây dựng trang trại chăn nuôi, trang trại tổng hợp.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dồn điền, đổi thửa ở Ngọc Động (Ứng Hòa): Tích tụ tiềm lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.