Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đòn bẩy vững chắc cho sự phát triển toàn diện

Minh Ngọc| 02/09/2015 07:01

(HNM) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quan điểm rất rõ rằng


70 năm qua, cùng với cả nước, ngành Văn hóa Hà Nội đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tập trung gìn giữ, phát huy khối di sản văn hóa đồ sộ của ông cha để lại, không ngừng nỗ lực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nhằm tạo nền tảng để phát triển Thủ đô bền vững về mọi mặt.

Gìn giữ tinh hoa

Từ xa xưa, Thăng Long - Hà Nội nổi tiếng bởi hàng nghìn công trình kiến trúc cổ, hàng trăm loại hình nghệ thuật độc đáo và lối giao tiếp, ứng xử giữa con người với con người, với môi trường tự nhiên, xã hội không lẫn với bất cứ địa phương nào.

Giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hà Nội sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô. Ảnh: Hoàng Long


Thực hiện lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, các thế hệ lãnh đạo và mỗi người dân Thủ đô luôn coi "Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận" để rồi "chiến đấu" không ngừng nghỉ, không mệt mỏi trên "mặt trận" đặc biệt ấy. Hằng năm, Hà Nội dành nguồn kinh phí không nhỏ để khôi phục, gìn giữ và phát huy vốn văn hóa truyền thống. Thủ đô đi tiên phong trong việc xây dựng, ban hành, triển khai nhiều chương trình xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh cho người Hà Nội, tiêu biểu là Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", Chỉ thị 11 (ngày 3-10-2012) của Thành ủy về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới… Nhờ những cố gắng đó, nhiều di tích lịch sử có niên đại hàng trăm năm như chùa Một Cột, đền Quán Thánh (Ba Đình), đền Bạch Mã, đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm), đình Tây Đằng, Chu Quyến, đền thờ Tản Viên Sơn Thánh (Ba Vì), đình Mông Phụ, Đền Và (Sơn Tây), đền Hai Bà Trưng (Mê Linh)… đã trở thành nguồn tài nguyên văn hóa - du lịch vô giá.

Cùng với đó, nhiều di sản văn hóa phi vật thể có cơ hội hồi sinh, phát triển như điệu hát trống quân ở Thường Tín, hát dô ở Quốc Oai, chèo tàu ở Đan Phượng, ca trù ở Đông Anh, Phú Xuyên, Hoài Đức… Đặc biệt, Hà Nội là địa phương có nhiều di sản được UNESCO vinh danh nhất cả nước với Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, 82 bia đá Tiến sĩ triều Lê - Mạc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội Gióng, ca trù cùng hệ thống di tích quốc gia đặc biệt dày đặc...

Đáng nói hơn, những năm qua, nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn chung sức, chung lòng thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Trung bình mỗi năm Hà Nội có hơn 84% số hộ, hơn 50% số thôn, làng; hơn 60% số tổ dân phố, cụm dân cư đạt chuẩn các danh hiệu văn hóa, cao hơn mức trung bình của cả nước. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phủ đều ở hầu hết các địa phương…

Tiên phong thực hiện nhiều mô hình mới

Đã sẵn nền tảng, lại được khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển, nhiều đơn vị, địa phương, khu dân cư trên địa bàn Hà Nội đã tiên phong xây dựng những mô hình mới trong lĩnh vực văn hóa. Việc thực hiện đề án "Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ" của quận Hoàn Kiếm trong những năm gần đây đã góp phần làm thay đổi bộ mặt khu phố cổ Hà Nội. Từ chỗ bị lên án "nhếch nhác, chặt chém", du khách đến khu phố cổ Hà Nội hiện nay có thể thoải mái đi dạo, mua sắm, thưởng thức ẩm thực, xem nghệ thuật truyền thống tại những tuyến phố đi bộ. Mô hình xây dựng "Phường văn hóa" nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân quận Tây Hồ, tạo hiệu quả rõ ràng trong đời sống.

Ngoài ra, có thể kể ra nhiều mô hình văn hóa cơ sở giúp ích cho đời sống như việc nhân dân tổ dân phố 16, phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) tự vận động làm tranh gốm sứ để ngõ phố mình không bị dán quảng cáo rao vặt sai quy định. "Để có mái nhà chung sạch đẹp, chúng tôi tiến hành vệ sinh hằng ngày, đồng thời giáo dục con cháu trân trọng của công, không được vẽ bậy, không làm bẩn tường", ông Lê Đại Đồng, Bí thư chi bộ tổ 16 phường Dịch Vọng Hậu cho biết. Cũng ở quận Cầu Giấy, mô hình "Cầu thang văn hóa" ở phường Nghĩa Tân nhằm mục đích khuyến khích, vận động nhân dân duy trì tình làng nghĩa xóm, bảo ban nhau giữ gìn an ninh, vệ sinh công cộng, nay được ví như chiếc cầu nối dài tình cảm xóm giềng nơi đô thị. Chưa hết, mô hình cưới trang trọng và tiết kiệm với lượng cỗ không quá 40 mâm hình thành ở quận Hà Đông, nay được nhân rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn thành phố và nhiều địa phương khác trong cả nước. Mô hình tang văn minh đã và đang được áp dụng ở từng xóm, làng, từng tổ dân phố. Đề án "Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, nơi công cộng thành phố Hà Nội" do Sở VH,TT&DL phối hợp với các đơn vị chức năng soạn thảo sẽ trở thành "cẩm nang" ứng xử cho người Hà Nội trong tương lai gần.

Mặc dù còn có những hạn chế nhất định, song nếu nhìn vào những thành quả nói trên, có thể khẳng định "mặt trận" văn hóa ở Hà Nội đã, đang và sẽ diễn ra sôi động bậc nhất cả nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đòn bẩy vững chắc cho sự phát triển toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.