(HNM) - Trong bối cảnh hoạt động sản xuất công nghiệp, sức đóng góp của khối doanh nghiệp cũng như xuất khẩu thuyên giảm thì kết quả thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công càng trở thành "đòn bẩy" rất quan trọng. Nguồn vốn đầu tư công phải chia sẻ cho các lĩnh vực nói trên, đảm nhận vai trò nặng nề cũng như được trông đợi là đóng góp nhiều hơn trong việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP). Tuy nhiên, tình hình đến nay chưa chuyển biến như mong muốn.
Kết quả hạn chế
Theo Bộ Tài chính, ước trong 3 tháng đầu năm 2023, lượng vốn đầu tư công đã giải ngân là 73.192 tỷ đồng, bằng 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả này thấp hơn con số cùng kỳ năm ngoái là 11,88%. Mới chỉ có 2 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%, như tỉnh Tiền Giang (31,1%), Bến Tre (30,05%), Điện Biên (24,67%)... Ngược lại, 49/52 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 9%; trong đó có 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Phân tích nguyên nhân, tỷ lệ giải ngân còn thấp là do đầu năm các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện việc giao chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu... nên khối lượng công việc hoàn thành để thanh toán chưa nhiều. Bên cạnh đó là nguyên nhân “muôn thuở” vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Theo Bộ Giao thông - Vận tải - ngành có số lượng dự án và vốn đầu tư công khá lớn, một số dự án trọng điểm thiếu nguồn cung vật liệu, chủ yếu là đất và cát, gây ảnh hưởng tiến độ. Thực tế, vấn đề này đã phát sinh từ năm ngoái, nhưng đến nay chậm được giải quyết dứt điểm.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% thì GDP tăng thêm 0,058%. Trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhằm phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng. Đầu tư công - động lực tăng trưởng của nền kinh tế, cần được giải ngân nhanh hơn.
Vào cuộc quyết liệt
Trên thực tế, Chính phủ luôn theo sát, nắm bắt tình hình, chủ động đôn đốc và chỉ đạo các đơn vị, đầu mối dồn sức cho hàng loạt công việc liên quan, từ chuẩn bị đến triển khai dự án và giải ngân nguồn vốn quan trọng này. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg (ngày 23-3-2023) về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ thị nêu rõ, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Thủ tướng Chính phủ cũng thành lập các tổ công tác đi thị sát, tìm hiểu thực tế, nguyên nhân gây chậm tiến độ các dự án, công trình để rà soát, đưa ra giải pháp khắc phục. Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Vừa qua, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công năm 2022 sang năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai ngay từ những tháng đầu năm. Đồng thời có các giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu vật liệu nhằm bảo đảm đủ nguồn cung phục vụ cho các công trình, nhất là dự án giao thông trọng điểm.
Về phía địa phương, hàng loạt tỉnh, thành phố cũng vào cuộc một cách đồng bộ. UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023; đặt mục tiêu đến hết 6 tháng đầu năm đạt tỷ lệ giải ngân 40-45%, phấn đấu kết thúc năm 2023 đạt từ 95% đến 100%. Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư có biện pháp giải ngân kế hoạch vốn theo lộ trình đã xây dựng; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án, hoàn thành nhiệm vụ này trong 6 tháng đầu năm 2023. Đặc biệt, các đơn vị, chủ đầu tư rà soát kỹ khả năng thực hiện dự án để đề xuất bố trí kế hoạch vốn cho phù hợp; khắc phục tình trạng không giải ngân được hết kế hoạch vốn do tính toán, đề xuất không hợp lý… Tỷ lệ giải ngân đến hết niên độ ngân sách năm 2023 không đạt tối thiểu 90% kế hoạch được giao là một trong các tiêu chí để xem xét, đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức.
Trên bình diện chung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vấn đề quan trọng là ý thức trách nhiệm, tinh thần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của cấp lãnh đạo. Cần suy ngẫm vì sao cùng một cơ chế nhưng có nơi đạt kết quả giải ngân tốt mà nơi khác lại không đạt yêu cầu. Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân phải gắn liền với bảo đảm chất lượng, tránh lãng phí thời gian, chi phí nếu phải làm lại.
Hiện, cơ quan chức năng đang phối hợp với các địa phương trong việc đáp ứng nhu cầu vật liệu phục vụ thi công. Đơn cử, Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh nâng công suất khai thác các mỏ đất, đá, cát để tạo nguồn cung tại chỗ; sớm hoàn tất thủ tục khai thác mỏ mới. Bộ cũng đề xuất gia hạn khai thác các mỏ đất phục vụ dự án xây dựng đường cao tốc và tình trạng thiếu vật liệu đang được tháo gỡ từng bước, từ đó có khối lượng hoàn thành để thanh toán - giải ngân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.