Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đốm sáng niềm tin

Vân Khanh| 18/12/2011 04:59

(HNM) - Không còn nghi ngờ gì về việc cuộc khủng hoảng nợ tại Châu Âu đang trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất lúc này. Ngoài Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha hay đã vào

Câu hỏi liệu Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) có thể tan vỡ hay không chẳng còn là mối bận tâm của riêng Cựu lục địa. Cả thế giới hồi hộp lo lắng bởi nếu kịch bản này xảy ra, sự sụp đổ của đế chế Lemahn Brothers kéo nền kinh tế toàn cầu vào cơn suy thoái tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ hồi năm 2008 sẽ chẳng là gì. Thế nhưng, trái ngược với tâm lý bi quan được khuếch tán từ Châu Âu, sự khởi sắc của nền kinh tế Mỹ đang dần xua đi những nhận định ảm đạm về nguy cơ suy thoái toàn cầu vào năm 2012.

Bắt đầu bằng các chỉ số chứng khoán Mỹ, thứ nhiệt kế nhạy cảm và mang tính quyết định để đo lường sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Rất lạ là, thay vì những cú tuột dốc đứng tim như đã từng xảy ra hồi trước tháng 8, sàn chứng khoán phố Wall dù vẫn chập chờn giữa sắc đỏ, sắc xanh trong mỗi ngày giao dịch nhưng dường như các biểu đồ chứng khoán được cả thế giới lấy làm thước đo giá trị vẫn kiên nhẫn đi ngang trong suốt gần 4 tháng qua, bất chấp những tin tức không mang tới niềm hy vọng từ bên kia Đại Tây Dương. Trong bối cảnh đầy khó khăn như hiện nay, sự bình ổn của chứng khoán Mỹ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy siêu cường số 1 hành tinh chưa bị cuốn vào vòng xoáy hỗn loạn của cơn nợ nần Châu Âu.

Khi bong bóng bất động sản đã trở thành một chiếc bẫy lớn tại các quốc gia mới nổi thì sự hồi phục của thị trường nhà đất Mỹ trong thời gian gần đây được nhìn nhận là một "điềm lành" có ý nghĩa sống còn đối với tính bền vững của nền kinh tế. Số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ khẳng định doanh số bán nhà mới tháng 10-2011 tăng 1,3% lên mức 307.000 căn, cao nhất trong 5 tháng. Trong khi đó, số nhà muốn bán rơi xuống mức thấp nhất từ tháng 4-2010. Kể từ sau đợt suy giảm đến 40% hồi cuối năm 2008, tín hiệu đáng mừng từ thị trường bất động sản Mỹ đang tạo ra hy vọng về một tương lai tốt đẹp đã được bắt đầu. Không phải chỉ là những dự cảm mang dấu ấn chủ quan, dự báo của Ngân hàng Morgan Stanley về tăng trưởng nhà đất Mỹ cho hai năm 2012-2013 lần lượt là 1,7% và 3,4%, thay cho mức thực tế -2,1% của năm 2011 khiến dư luận tin tưởng điểm yếu chết người của kinh tế Mỹ sẽ được hóa giải.

Suốt từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, có lẽ chưa khi nào nền kinh tế được xem như đòn bẩy của cả thế giới đón nhận nhiều tin tốt như hiện nay. Chẳng hề nhúc nhích sau các đợt bơm tiền ồ ạt để kích thích với QE1 và QE2, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ lần đầu tiên xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5-2008 vào tuần qua. Tuy rằng tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao, 8,6% trong tháng 11, nhưng với việc chỉ số đang tạo áp lực nặng nề cho chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã giảm tới ngưỡng thấp nhất trong hai năm rưỡi qua, sự cải thiện tại thị trường lao động là một chỉ dấu quan trọng về sự khỏe mạnh trở lại của kinh tế Mỹ. Lạc quan hơn về triển vọng việc làm và thu nhập, bước nhảy vọt của niềm tin tiêu dùng Mỹ trong tháng 11 lên mức cao nhất của 8 năm được xem là đã tạo thêm đà cho những chuyển động mạnh mẽ hơn của chú Sam trong thời gian tới.

Kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái kép. Nhận định được các chuyên gia hàng đầu thế giới đưa ra trong Hội nghị Thượng đỉnh triển vọng đầu tư 2012 vừa được tổ chức tại New York đang mang đến niềm lạc quan cực kỳ cần thiết cho kinh tế thế giới lúc này. Với các chỉ số kinh tế quan trọng đang ngày càng khả quan hơn, có lý do để hy vọng rằng nước Mỹ sẽ tiếp tục hoàn thành vai trò là động lực của kinh tế thế giới. Trong mây đen của cơn bão táp tài chính, những đốm sáng niềm tin như đã được thắp lên trong mùa Giáng sinh để dẫn dắt con tàu thế giới vào một vùng trời yên bình hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đốm sáng niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.