Ngày 17-7, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bắt đầu thảo luận về thỏa thuận tái cơ cấu nợ cũng như các thỏa thuận thuế quốc tế công bằng hơn, nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ.
Nước chủ nhà Ấn Độ cho biết, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman, các lĩnh vực thảo luận bao gồm sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu và "cơ sở hạ tầng và tài chính bền vững". Vấn đề then chốt trong chương trình nghị sự 2 ngày là nỗ lực giải quyết nợ của các quốc gia nghèo nhất thế giới đang chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu vào thời điểm ứng phó với biến đổi khí hậu đang trở thành gánh nặng lớn về tài chính.
Đối với nội dung huy động tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu, lãnh đạo tài chính của các nước G20 sẽ thảo luận về cải cách của các ngân hàng phát triển đa phương, quy định về tiền điện tử và khả năng tiếp cận tài chính nhằm giúp các nước nghèo giảm thiểu tác động và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Hội nghị cũng sẽ thảo luận về việc phân phối công bằng hơn thu nhập từ thuế đánh vào công ty đa quốc gia, trong bối cảnh nhóm công ty này, đặc biệt là các công ty công nghệ, có thể dễ dàng chuyển lợi nhuận sang những quốc gia có thuế suất thấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.