Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2014: Chưa đủ tầm

Vũ Quỳnh| 14/12/2014 07:12

(HNM) - Khi thoát ly cảm xúc có từ trận thua trước Malaysia cũng như sự cấn cá có từ câu hỏi


Mong manh khâu phòng ngự

Một đội bóng muốn lên ngôi vương phải luôn dựa vào hệ thống phòng ngự vững vàng. Những nhà vô địch các giải đấu lớn cấp độ ĐT quốc gia thời gian gần đây đều có được điều đó. Trong bóng đá hiện đại, hệ thống phòng ngự không bắt đầu từ các tiền vệ đánh chặn, mà khởi nguồn từ các tiền đạo. Dù vậy, vai trò của các tiền vệ phòng ngự, hàng hậu vệ và thủ môn vẫn được chú ý nhiều nhất.

Hàng phòng ngự yếu kém là nguyên nhân dẫn đến thất bại thảm hại của tuyển Việt Nam trước Malaysia. Ảnh: Internet


Người ta đã nhắc nhiều đến những sai lầm chết người của hàng phòng ngự ĐT Việt Nam trong trận bán kết lượt về với Malaysia mà quên rằng ngay từ đầu giải, hệ thống phòng ngự của ĐT Việt Nam đã thể hiện rất rõ sự mong manh. Trước giải, sự lựa chọn vị trí trung vệ của HLV T.Miura bị hạn chế vì không có nhiều cầu thủ đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đào Duy Khánh của Hà Nội T&T thi đấu khá chững chạc nhưng đã bị chấn thương ngay từ trận giao hữu với ĐT U23 Bahrain, điều khiến HLV người Nhật Bản đứng ngồi không yên. Ở vị trí thủ môn thì ngay trước thềm AFF Cup 2014, HLV T.Miura vẫn phải gọi thêm thủ thành Nguyễn Thanh Diệp nhằm tăng sự lựa chọn. Cuối cùng, bắt chính vẫn là một Trần Nguyên Mạnh vốn không ổn định về tâm lý dù tài năng có thừa.

Kể ra những khó khăn về nhân sự để thấy rằng, ĐT Việt Nam vào giải mà không có đủ vũ khí cần thiết, vẫn có rất nhiều điểm yếu ở hàng phòng ngự. Cũng vì thế mà HLV T.Miura phải chấp nhận "lấy công bù thủ".

Nhưng không phải lúc nào lối chơi tấn công của ĐT cũng đủ để khỏa lấp điểm yếu ở hàng phòng ngự. Ở trận đầu giải, gặp ĐT Indonesia, ĐT Việt Nam chơi tấn công không tồi, nhưng hàng thủ để thua 2 bàn lãng xẹt, trong đó có tình huống thủ thành Trần Nguyên Mạnh để bóng lọt qua người từ một cú sút đơn giản; kết quả là hòa 2-2. Ở hai trận kế tiếp, gặp Lào và Philippines, hệ thống phòng ngự của ĐT Việt Nam cũng không vững vàng. Trận bán kết lượt về với Malaysia chỉ tô đậm thêm những thiếu hụt trong hệ thống phòng ngự của ĐT Việt Nam. Hàng tiền vệ mất hút trong các pha tranh chấp. Các hậu vệ chơi dâng cao, xử lý tình huống thiếu quyết đoán. Thủ thành Trần Nguyên Mạnh vẫn bộc lộ sự non kém trong những tình huống ra vào, gián tiếp tạo nên bàn thua thứ hai. Không phải ngẫu nhiên mà kể cả sau khi ĐT thắng Malaysia ở trận bán kết lượt đi, một số chuyên gia đã tỏ ra không hài lòng với cách phòng ngự của ĐT.

Thăng - trầm bất ổn

Trong một giải đấu chính thức, những ứng cử viên vô địch cần có sự ổn định về phong độ chứ không thể thăng - trầm bất ổn khó lường. Kể cả những lúc thi đấu tốt tại giải năm nay thì trong mắt nhiều chuyên gia, ĐT Việt Nam vẫn không có đủ độ "lạnh" cần thiết. Ngay sau trận thắng Philippines 3-1, một chuyên gia bóng đá đã nhận xét: "Có cảm giác ĐT vẫn có cách chơi kiểu phổi bò. Thắng đấy, nhưng vẫn thấy rõ sự chông chênh". Họ có thể bùng nổ, chơi hay khó ngờ nhưng cũng có thể chùng xuống ngay sau đó - điều thể hiện rõ trong hai lượt đấu bán kết vừa qua.

Sự thất thường có thể do đội hình xuất phát luôn có phân nửa là cầu thủ trẻ, dưới 23 tuổi, chưa đủ kinh nghiệm cần thiết cho một giải đấu khốc liệt như AFF Cup. Cựu HLV CLB Hà Nội Nguyễn Công Vinh nói: "Tôi tự hào vì học trò Nguyễn Huy Hùng luôn có suất đá chính tại giải này nhưng cũng phải nói thật là cả Huy Hùng và tiền vệ đá cặp với anh là Ngô Hoàng Thịnh đều không có khả năng chịu "nhiệt" tốt như Tấn Tài. Bộ đôi này đá trận được, trận không".

Các tuyển thủ dày dạn kinh nghiệm không phải lúc nào cũng có mặt trên sân để dìu dắt lứa trẻ vượt qua khó khăn, đơn giản là ngay cả đội trưởng Tấn Tài cũng không được tin dùng. Ở trận bán kết lượt về, khi HLV T.Miura nhận ra "những đứa trẻ của mình" không đủ sức gánh trọng trách thì đã quá muộn. Tấn Tài vào thay Hoàng Thịnh ở thời điểm Malaysia đã dẫn 3-1.

Trong bóng đá hiện đại, điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng thua quá đau như ĐT Việt Nam trong buổi tối 11-12 thì quả là chúng ta phải xem lại nhiều điều. Từ cách tiếp cận trận đấu, cách dùng người của HLV, khâu chuẩn bị tâm lý cho cầu thủ trẻ trước một trận đấu quan trọng… Trên tất cả, chúng ta có thể nhìn sang Thái Lan, đội bóng cũng đang trong quá trình trẻ hóa lực lượng của họ luôn duy trì được sự chững chạc trong mọi trận đấu ở giải lần này.

Điểm yếu và mặt mạnh

Cầu thủ trẻ vừa là điểm yếu vừa là điểm mạnh của ĐT Việt Nam kỳ này. Với sự xuất hiện của nhiều cầu thủ trẻ, khát khao thi đấu, cống hiến của ĐT đã thể hiện rõ nét hơn hẳn. Lối chơi của ĐT đã có "lửa", truyền cảm hứng tới người hâm mộ. Với 80% cầu thủ ĐT ở độ tuổi dưới 28, ít nhiều người ta có thể tin vào một đội bóng ổn định, giàu sức sống trong tương lai.

Trong lối chơi đầy "lửa" của ĐT Việt Nam, dấu ấn của HLV T.Miura còn thể hiện rõ ở khâu thể lực. Lần đầu tiên, người ta thấy ĐT có thể thi đấu sòng phẳng với đối thủ đến phút cuối với cường độ cao. Đó là cơ sở để hy vọng các đội bóng Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV T.Miura có thể vươn xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2014: Chưa đủ tầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.