(HNMO) - Cùng với hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tăng cường đối thoại với người lao động, người sử dụng lao động về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Giải pháp này giúp các bên liên quan kịp thời nắm bắt, hỗ trợ giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực thi các chính sách, thiết thực bảo đảm quyền lợi cho nhiều bên.
Còn khó khăn trong việc triển khai chính sách
Thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm các quy định về bảo hiểm xã hội chưa được khắc phục triệt để, nổi cộm là việc nợ đóng. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, đến thời điểm cuối tháng 5-2022, toàn thành phố còn 79.831 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động với số tiền hơn 5.050 tỷ đồng, bằng 8,94% tổng số tiền phải thu, trong đó số tiền nợ phải tính lãi là gần 1.904 tỷ đồng, tương ứng với 3,37% tổng số tiền phải thu.
“Có trường hợp người lao động không may gặp rủi ro, tai nạn khi doanh nghiệp đang nợ đóng bảo hiểm xã hội, đồng nghĩa họ không có thẻ bảo hiểm y tế, không được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị. Lỗi này không phải do người lao động, nhưng họ phải gánh chịu. Mỗi khi chứng kiến người lao động chịu thiệt thòi, chúng tôi rất trăn trở”, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa nói.
Vấn đề khác cần quan tâm là, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ đến 100% người lao động, người sử dụng lao động thuộc diện bắt buộc tham gia. Với người sử dụng lao động, có những người tìm nhiều lý do để không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động sau khi hai bên đã ký hợp đồng lao động hoặc có đóng nhưng không đủ thời gian cần đóng.
Dẫn chứng là, trong 5 tháng đầu năm nay, qua công tác thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp đóng, truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của gần 100 người lao động với số tiền gần 2,1 tỷ đồng... Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội có lợi ích thiết thân với người lao động cũng bộc lộ những bất cập, như số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu còn dài, hình thức hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp chưa hấp dẫn, nên ít người tham gia...
Tạo diễn đàn trao đổi
Trước những vướng mắc thấy rõ, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội đến với nhiều đơn vị, doanh nghiệp. Cùng với đó là việc tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội để lắng nghe ý kiến của các bên.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Phan Văn Phúc, đầu tháng 6-2022, UBND quận tổ chức đối thoại với đại diện 300 doanh nghiệp, hộ kinh doanh về nhiều nội dung, tập trung vào việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động... Sau khi nắm rõ những vướng mắc, quận chỉ đạo các phòng, ban liên quan khẩn trương hướng dẫn, tạo điều kiện để người lao động nhận nguồn lực hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.
Với cách làm tương tự, quận Hà Đông đã tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ tiền thuê nhà cho nhiều người lao động, chủ yếu là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đang làm việc trong doanh nghiệp.
Nhận tiền hỗ trợ, anh Lê Tiến Dũng, người lao động Công ty cổ phần Đầu tư và tư vấn công nghệ xây dựng Archivina chia sẻ: “Tôi cùng một người bạn thuê chung phòng trọ với giá thuê 2,5 triệu đồng/tháng, cộng với khoảng 500.000 đồng tiền điện, nước. Chi phí tiền thuê nhà hằng tháng bằng một phần tiền công của chúng tôi. Nhờ số tiền được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng trong thời gian 3 tháng giữa giai đoạn khó khăn, cuộc sống của chúng tôi đỡ vất vả phần nào. Còn một số người bạn của tôi làm công việc tự do, không tham gia bảo hiểm xã hội, dù khó khăn cũng không được hỗ trợ tiền thuê nhà. Điều đó giúp chúng tôi càng thấy rõ lợi ích khi làm việc có hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội”.
Tại huyện Gia Lâm, Chủ tịch UBND huyện Đặng Thị Huyền cho hay, huyện vừa tổ chức hội nghị đối thoại với công nhân, viên chức, người lao động. Sau đối thoại, các cơ quan chức năng ghi nhận ý kiến kiến nghị của người lao động về nhiều nội dung như nên rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, tăng hấp dẫn cho bảo hiểm thất nghiệp, xử lý nghiêm các đơn vị nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội... để báo cáo lên cấp có thẩm quyền. Về phần mình, huyện Gia Lâm tiếp tục triển khai đồng bộ giải pháp giúp người lao động rộng mở cơ hội tiếp cận, thụ hưởng chính sách an sinh...
Cùng với chính quyền các địa phương, thời gian qua, các đơn vị thuộc liên đoàn lao động, bảo hiểm xã hội... tổ chức nhiều chương trình giao lưu, tọa đàm về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động, tạo diễn đàn để các bên cùng phân tích, trao đổi, từ đó thực thi chính sách đúng, trúng hơn.
Hà Nội là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp với khoảng 326.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 2,5 triệu người lao động đang làm việc. Người lao động làm việc tại doanh nghiệp là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, đến thời điểm cuối tháng 5-2022, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thuộc quản lý của cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố là hơn 1,886 triệu người. Con số này cho thấy, Hà Nội còn một bộ phận không nhỏ người lao động làm việc trong doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm xã hội.
Hy vọng, qua hoạt động đối thoại về chính sách bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động cũng như người lao động hiểu rõ hơn về tính ưu việt của chính sách mà chấp ngành nghiêm, triển khai hiệu quả, qua đó bảo đảm quyền lợi cho nhiều bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.