Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa rộng hơn chính sách bảo hiểm xã hội

Vũ Minh| 10/03/2023 07:09

(HNM) - Kết quả đạt được trong công tác phát triển số người tham gia, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội trong những năm gần đây tạo nên dấu ấn đậm nét trên “bản đồ” an sinh trong nước, nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Vì vậy, ngành Bảo hiểm xã hội đã và đang tăng cường hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để các chính sách lan tỏa rộng hơn, phát triển bền vững hơn.

Đại diện Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội tặng quà bệnh nhân bảo hiểm y tế có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.

Những dấu ấn đậm nét của ngành Bảo hiểm xã hội trên “bản đồ” an sinh của nước ta được thể hiện rõ qua số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tăng nhanh. Theo thống kê, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người vào cuối năm 1995 (năm đầu tiên thực hiện chính sách) lên hơn 16 triệu người vào cuối năm 2022, tương ứng với mức tăng hơn 7,5 lần sau hơn 27 năm. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng từ 6.000 người vào cuối năm 2008 (năm đầu tiên thực hiện chính sách) lên gần 1,5 triệu người vào cuối năm 2022, tương ứng với mức tăng 250 lần sau hơn 14 năm.

Hệ thống chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội ngày càng hoàn thiện. Trong đó, nhiều nội dung đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá là tiến bộ, tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các công ước và khuyến nghị của ILO.

Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia trên thế giới và so với tiềm năng, lợi thế để phát triển, thì nước ta còn khoảng 62% lực lượng lao động trong độ tuổi chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Dưới góc nhìn nghiên cứu, giảng viên Khoa Bảo hiểm (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) Nguyễn Xuân Tiệp cho rằng, để chính sách bảo hiểm xã hội phát huy hiệu quả hơn nữa, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, bao gồm trợ cấp hưu trí xã hội, các chế độ bảo hiểm xã hội cơ bản (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện) và bảo hiểm hưu trí bổ sung theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện nâng cao mức hưởng lương hưu cho người lao động. Ngoài ra, các bên nên tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình thực thi các chính sách.

Thấy rõ những hạn chế còn tồn tại, đồng thời lắng nghe ý kiến góp ý từ nhiều phía, ngành Bảo hiểm xã hội phối hợp với các bộ, ngành chức năng xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) theo hướng căn bản, toàn diện, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt, phù hợp hơn trong việc thu hút người tham gia, thụ hưởng chính sách. Nhiều điểm mới được đánh giá là phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Về phần mình, cùng với việc phát huy sức mạnh nội lực để phát triển, ngành Bảo hiểm xã hội chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong nhiều hoạt động. Nổi bật là Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023-2025 vào cuối tháng 2-2023. Cũng từ quá trình hợp tác, trao đổi, năm 2023, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ hỗ trợ ngành Bảo hiểm xã hội thực hiện tái cấu trúc đối với một số dịch vụ công về đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế…

Đặc biệt, tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào đầu tháng 3 vừa qua, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Francois Painchaud cho biết, các chuyên gia của IMF sẽ nghiên cứu, đánh giá và có giải pháp hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là với người lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức (làm việc không có hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc); xây dựng, chuyển giao, đào tạo mô hình tính toán hưu trí cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, hợp tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm quý giá để hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo hiểm xã hội; thực hiện tốt hơn các chính sách an sinh xã hội. Đây cũng là yếu tố quan trọng để tăng sự hấp dẫn của bảo hiểm xã hội, giúp người dân chủ động tham gia chính sách, tạo đà cho các cơ quan chức năng hoàn thành mục tiêu có ít nhất 40,2% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội vào cuối năm 2023 (hiện nay là hơn 38%).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa rộng hơn chính sách bảo hiểm xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.