(HNMO) - Sáng 28-8, huyện Thường Tín tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” trên địa bàn huyện; kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng huyện Thường Tín.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây Khuất Hữu Sơn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà…
Tại buổi lễ, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh ôn lại lịch sử truyền thống cách mạng huyện Thường Tín trong 65 năm qua. Chủ tịch UBND huyện Kiều Xuân Huy đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 02-CTr/TU.
So với các địa phương khác, Thường Tín có xuất phát điểm thấp so với bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bình quân các xã trên địa bàn huyện chỉ đạt và cơ bản đạt 8 tiêu chí nông thôn mới; hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; đời sống của nhân dân còn thấp; năm 2010, thu nhập bình quân chỉ đạt 13,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 12,5%.
Song, với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và toàn dân trên địa bàn huyện, sau 10 năm, Thường Tín đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến tháng 6-2019, toàn huyện có 24/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới... Đặc biệt, phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới được nhân dân hưởng ứng. Trong 10 năm, Thường Tín đã huy động được hàng trăm tỷ đồng từ nguồn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa chất lượng và hiệu quả cao, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: Vùng lúa hàng hóa, vùng cây ăn quả, vùng nuôi trồng thủy sản, 6 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp... tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được nâng cao, thu nhập bình quân đạt 47 triệu đồng/người/năm (gấp 3,4 lần so với năm 2010); 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh...
Phát biểu tại buổi lễ, chia sẻ niềm vui với những kết quả huyện đã đạt được, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, nhân dân và cán bộ huyện Thường Tín đã kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, đất danh hương, khoa bảng, đất trăm nghề của cha ông để lại. Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, với sự cần cù, sáng tạo, người dân của huyện đã nắm bắt thời cơ, đầu tư công nghệ tiên tiến trong lao động, quản lý, sản xuất, kinh doanh.
Trong suốt 65 năm qua, nhất là trong 10 năm (2010-2019) triển khai Chương trình số 02-CTr/TU, huyện Thường Tín đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, tổng nguồn vốn huy động phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện trong 10 năm qua đạt 3.639 tỷ đồng, trong đó, nguồn xã hội hóa là 1.069 tỷ đồng, chiếm 29% (trong khi tỷ lệ bình quân toàn thành phố khoảng 10%).
Từ kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, tăng hộ khá, hộ giàu và giảm hộ nghèo; cơ sở hạ tầng, cảnh quan huyện ngày càng khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố cũng chỉ rõ những tồn tại mà huyện cần khắc phục như: Ngân sách còn hạn hẹp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế kinh tế của địa phương; thu nhập bình quân còn ở mức khiêm tốn; sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, cơ giới hóa chưa đồng bộ; còn ít dự án sản xuất nông nghiệp chất lượng cao tập trung; vấn đề xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường nói chung và trong các làng nghề nói riêng chưa được xử lý dứt điểm…
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị huyện Thường Tín tiếp tục phát huy thành quả, tận dụng và khai thác tốt hơn nữa thế mạnh, tiềm năng, nguồn lực của địa phương, xây dựng kế hoạch hợp lý trong phát triển kinh tế; tái cơ cấu sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ; liên kết, liên doanh mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, huyện cần đặc biệt coi trọng ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo.
Về phát triển làng nghề, huyện cần chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vốn vào làng nghề truyền thống để có những sản phẩm vươn tầm quốc tế. Đảng bộ, chính quyền các cấp của huyện cần tiếp tục thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp cơ sở và cấp huyện.
Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, hướng tới nền sản xuất phát triển, nhân dân có đời sống sung túc, văn minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện cần quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn nữa, tập trung mọi nguồn lực để 28/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019, phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020 và sớm hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; trở thành quận trong tương lai gần. Để hỗ trợ Thường Tín, Chủ tịch UBND thành phố giao các sở, ngành tham mưu, hướng dẫn huyện, đề xuất UBND thành phố giải quyết.
Với những thành tựu đã đạt được, huyện Thường Tín vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh được nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân được UBND huyện Thường Tín khen thưởng do có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.