(HNM) - Bằng kinh nghiệm thực tiễn, một số cán bộ lãnh đạo có năng lực, đã lái "con thuyền" hợp tác xã (HTX) làm ăn hiệu quả. Nhưng những hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của chính đội ngũ này cũng là nguyên nhân của sự bế tắc, khó khăn trong hoạt động HTX hiện nay. Từ thực trạng về đội ngũ cán bộ HTX đang đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm.
Thiếu người có năng lực…
Theo Liên minh HTX Hà Nội, hiện đội ngũ cán bộ quản lý HTX thường lớn tuổi, nhiệt tình nhưng năng lực, trình độ còn hạn chế, việc điều hành vẫn làm theo cảm tính, chưa có quy chế làm việc rõ ràng, phân công trách nhiệm còn chung chung. Do khó khăn trong thu hút cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại HTX, nên việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa các thiết bị cơ giới vào sản xuất còn hạn chế. Suốt thời gian dài, cán bộ có năng lực, trình độ sau thời gian công tác tại các HTX đều luân chuyển, chuyển sang làm việc khác hoặc dùng HTX làm "bàn đạp" để vươn lên, dẫn đến đội ngũ cán bộ HTX luôn bị xáo trộn, hoạt động sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả. Qua khảo sát 725 HTX trên địa bàn thành phố thì có 6.078 cán bộ quản lý, chuyên môn; trong đó cán bộ có trình độ đại học 734 người (chiếm 12,1%), cao đẳng 672 người (chiếm 11,1%), cán bộ có trình độ trung - sơ cấp 2.040 người (chiếm 33,6%), số còn lại 2.632 người (chiếm 43,3%) chỉ qua bồi dưỡng, tập huấn ngắn ngày. Đội ngũ cán bộ quản lý HTX luôn ở trong trình trạng thiếu người có năng lực và thừa người có thâm niên.
Hiện hoạt động của nhiều HTX chưa theo kịp xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường, tích lũy nội bộ HTX còn khó khăn; không ít cán bộ HTX thiếu kiến thức về pháp luật, quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, trình độ ngoại ngữ, tin học... Ông Nguyễn Văn Ngạn, kế toán HTX NN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ vừa tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ giám đốc điều hành HTX khóa X, do Liên minh HTX thành phố tổ chức cho biết: Có rất nhiều văn bản pháp luật, các nội quy, quy chế hoạt động của HTX, khi tham gia khóa bồi dưỡng ông Ngạn mới hiểu đúng bản chất. Nếu vận dụng tốt những nội dung của khóa đào tạo này vào thực tiễn, HTX sẽ có những bước chuyển nhanh. Tuy nhiên, có quá nhiều rào cản đối với HTX như không có trụ sở, đất đai; bản thân chính quyền cơ sở vẫn coi HTX là một "bộ phận", nên vẫn can thiệp vào các hoạt động và bản thân HTX nhiều khi không tự quyết được vấn đề cán bộ.
Tất cả cán bộ HTX phải được đào tạo
Để nâng cao năng lực cho cán bộ HTX, chỉ còn cách chọn những người có tâm huyết, được xã viên tín nhiệm bầu vào ban quản trị, sau đó cử đi đào tạo. Theo bà Nghiêm Thị Giơn, chuyên viên Trung tâm Đào tạo cán bộ HTX, Liên minh HTX TP Hà Nội, hằng năm Liên minh tổ chức từ 40 đến 50 lớp đào tạo, bồi dưỡng với hơn 2.000 lượt cán bộ quản lý, chuyên môn, xã viên HTX tham gia. Các nội dung của lớp tập huấn khá đa dạng, phong phú, sát thực, phù hợp với từng đối tượng, giúp cán bộ HTX trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để áp dụng vào thực tiễn, tổ chức điều hành đơn vị mình hoạt động tốt hơn. Nhiều HTX đã mạnh dạn đổi mới, đầu tư vào sản xuất, xây dựng mô hình mới, hoạt động có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực.
Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Phạm Văn An cho biết, Liên minh HTX Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến năm 2015, 100% số cán bộ HTX trên địa bàn thành phố được tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn cũng như dài hạn và đội ngũ cán bộ HTX trẻ tuổi sẽ được tham gia các khóa học đào tạo chuyên sâu. Trong quá trình chuyển đổi, củng cố HTX hoạt động theo Luật HTX, chức danh chủ nhiệm HTX sẽ đổi thành chức danh giám đốc và HTX hoạt động như một doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bản thân người đứng đầu HTX phải coi giám đốc HTX là một nghề, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phát triển HTX trong thời hạn ít nhất 5 năm và có những quyết sách táo bạo, mang dấu ấn cá nhân, không thể chung chung, cào bằng, làm việc theo mùa vụ… Muốn vậy, bản thân các chủ nhiệm HTX trước khi chuyển đổi thành giám đốc phải nắm rõ nội quy, quy chế hoạt động…
Trong thời gian tới, trước khi mở lớp đào tạo, Liên minh HTX Hà Nội sẽ tiến hành khảo sát nhu cầu của cán bộ HTX. Vấn đề quan trọng nhất trong công tác đào tạo là phải tìm được nguồn kinh phí, tranh thủ nguồn lực và điều kiện của địa phương; giáo viên phải là các trưởng phòng sở, ngành liên quan, có thực tiễn; các bài giảng phải tạo được hiệu ứng tích cực, tạo sự sôi nổi, tranh luận từ thực tế, chứ không phải chỉ giảng theo giáo trình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.