Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới SGK: Một chương trình, bao nhiêu bộ sách?

Vân An| 11/11/2014 16:55

(HNMO) - Thảo luận tại tổ về Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa chiều 11/11, các đại biểu nhất trí với đề án, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức, sức khỏe cho học sinh.


Theo Đề án của Bộ Giáo dục và đào tạo, nội dung đổi mới chương trình, SGK sẽ theo hướng tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất và năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, lý tưởng, truyền thống, đạo đức và lối sống cho học sinh, phát triển khả năng sáng tạo, tự học và học tập suốt đời… Chương trình được xây dựng tương ứng với 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và trung học cơ sở), giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông).

Về giáo trình SGK, Chính phủ sẽ phê duyệt, cho phép sử dụng SGK trên cơ sở có sự thẩm định của Hội đồng quốc gia về SGK. SGK mới được biên soạn theo phương án các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, Bộ sẽ tổ chức biên soạn 1 bộ SGK nhưng không làm ảnh hưởng đến SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn. Chủ trương của Bộ là 1 chương trình, nhiều SGK.

Nhìn chung, các đại biểu tán thành với việc phải đổi mới chương trình, SGK để đáp ứng nhu cầu dạy và học trong tình hình mới.

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắm – Quảng Trị, việc thực nghiệm chương trình mới song song với tổ chức biện soạn tài liệu là phù hợp, khắc phục được cách làm trước đây là soạn xong tài liệu rồi mới thực nghiệm giảng dạy nên có trường hợp sách biên soạn xong bị sai, lại phải điều chỉnh, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả. Tuy nhiên, đại biểu Thắm đề nghị, Bộ phải đặt ra những yêu cầu bắt buộc với tác giả biên soạn sách, nếu không, việc thực nghiệm sẽ khó bài bản và không đủ thời gian cho để có thể đánh giá chất lượng.

Đại biểu Thắm cũng ủng hộ việc sau khi kết thúc giai đoạn thực nghiệm, chương trình, SGK mới sẽ đồng loạt được dưa vào giảng dạy cả ở 5 lớp của cấp tiểu học, đồng thời cuốn chiếu đổi mới chương trình, GK với 2 cấp còn lại.

Về chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK, đại biểu Thắm cho rằng đây là một hướng đi đúng, giúp nhà trường và học sinh được quyền lựa chọn bộ sách đúng với nhu cầu. Tuy nhiên, đại biểu Thắm đề nghị cân nhắc về số bộ SGK được thẩm định sao cho vừa đủ, tránh nhiều quá không cần thiết, gây lãng phí.


Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – Hà Nội cũng nhất trí phải có những chương trình chuẩn, nhưng không nên để một mình Chính phủ, ngành giáo dục phụ trách việc này, mà phải đưa ra Quốc hội, coi đó như công trình trọng điểm quốc gia.

Đại biểu Khánh đề nghị, đổi mới giáo dục nên tập trung trước tiên vào giáo dục hướng nội, để học sinh có đạo đức, nhân cách, ý thức công dân và chương trình, SGK cũng nên được xây dựng theo hướng này; tiếp đó mới là hướng ngoại, hướng đến hội nhập, nên chăng tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa vào giảng dạy.

“Thời gian qua, đất nước ta có nhiều tấm gương thành tích cao trong học tập, như vậy chứng tỏ chúng ta không thiếu những nhà giáo dục tốt, việc không có chương trình, SGK tốt phải chăng nằm ở khâu tổ chức thực hiện, tiếp thu ý kiến các chuyên gia?”, đại biểu Khánh nói.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung – Hà Nội cũng nhấn mạnh đến việc rèn luyện đạo đức, thể lực cho học sinh. Theo đại biểu, chương trình học của các cấp phải có sự phát triển liên tục, đảm bảo sự phát triển cân bằng cho học sinh, đảm bảo học sinh được trang bị những kiến thức khoa học cơ bản, nắm được những kiến thức về lịch sử, nền văn hóa dân tộc, có tư duy sáng tạo, biết ngoại ngữ để hội nhập....

“Chúng ta không sợ tốn kém, không nên vì lý do ngân sách mà khắt khe với giáo dục để rồi cho ra đời những sản phẩm không đủ chất lượng, vì đổi mới giáo dục mang lại giá trị cho cả một thế hệ”, đại biểu Chung nói.

Dẫn chứng thực tế đáng báo động về trình trạng học sinh phải đeo kính, nhiễm mỡ máu do học nhiều, ngồi nhiều, không có thời gian vui chơi, tập thể thao…, đại biểu Bùi Thị An – Hà Nội cho rằng, mục tiêu giáo dục là phải biến học sinh thành những người khỏe mạnh, có trí tuệ, chủ động, năng động, tự tin vào cuộc sống.

“Thực trạng bắt trẻ em học quá nhiều dẫn đến chuyện thầy dạy thêm, trò học thêm, phát sinh các vấn đề kinh tế, tạo ra các quan hệ không thật vui vẻ mặc dù trong rất nhiều trường hợp, phụ huynh tự nguyện ký cam kết học thêm. Chính vì chương trình SGK quá nặng nên đã nảy sinh chuyện này”, đại biểu An nói.

Theo đại biểu An, chương trình hiện tại nặng, sai quy hoạch, có thể lược bỏ bớt ½ nội dung. Đại biểu An ủng hộ việc xây dựng một chương trình chuẩn, nhưng xã hội hóa việc biên soạn SGK, bất cứ ai có đủ kiến thức đều có thể viết. Các bộ SGK sẽ do một hội đồng thẩm định, trong đó có sự tham gia của Bộ GD&ĐT thẩm định.

Ủng hộ đề án của Bộ, đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Lạng Sơn đề nghị, để các nội dung đổi mới chương trình, SGK thực sự hiệu quả, Bộ cần làm rõ một số vấn đề như: đổi mới kết cấu và dung lượng giữa chương trình cứng và chương trình mềm; đổi mới phương pháp biên soạn; đổi mới phương pháp giảng dạy…

“Đề án nếu tách bạch được các nội dung này và làm rõ từng nội dung thì sẽ dễ hiểu và tăng sức thuyết phục hơn”, đại biểu Thành nói.

Đề án Đổi mới chương trình, SGK sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội trường vào ngày 20/11 tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới SGK: Một chương trình, bao nhiêu bộ sách?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.