Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

Thu Hằng| 10/05/2022 06:25

(HNM) - Đổi mới sáng tạo là một trong những công cụ đắc lực, tiềm năng nhất để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, với tình hình doanh nghiệp thực tế ở nước ta hiện nay, đổi mới sáng tạo là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ.

Giới thiệu hệ thống chiếu sáng chuyên dụng trong công nghiệp nhân giống và điều khiển ra hoa một số loại cây trồng của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Chưa được như kỳ vọng

Đổi mới sáng tạo được hiểu là quy trình biến một ý tưởng, phát minh thành hàng hóa hay dịch vụ tạo ra giá trị hoặc các khách hàng sẽ trả tiền cho hàng hóa/dịch vụ đó. Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín của doanh nghiệp.

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Tạ Việt Dũng cho biết, đối với doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo tập trung vào các nội dung chủ yếu là đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình, đổi mới công nghệ, đổi mới cách thức tiếp cận và phát triển thị trường.

Mặc dù đổi mới sáng tạo mang lại nhiều cơ hội, song không phải doanh nghiệp nào cũng nắm bắt được. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về Đổi mới sáng tạo công bố vào cuối năm 2021 cho thấy, 90% số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực hạn chế, nên việc đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo còn gặp nhiều khó khăn, rào cản.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết cho biết, nhờ áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã giữ được vị thế tiên phong trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Doanh thu của công ty năm sau luôn cao hơn năm trước. Đặc biệt, giai đoạn 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng từ 15% đến18%, lợi nhuận tăng khoảng 17%. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là về nhận thức, thói quen; rồi thiếu thông tin để xác định bước đi, lộ trình phát triển bằng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thách thức về máy móc, thiết bị cũng là trở ngại chính. Với một doanh nghiệp đã hình thành trên 60 năm thì máy móc, thiết bị có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nước, nhiều thời điểm. Vì vậy, trong quá trình đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp phải tìm ra giải pháp công nghệ để tạo nên những kiến trúc hợp nhất các nền tảng công nghệ, thiết bị.

Cần có những cơ chế “đột phá”

Chủ trương và chiến lược thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đã được thể hiện trong nhiều nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Theo Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Tạ Việt Dũng, nhiều chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo rất mạnh, vượt khung luật hiện hành, đòi hỏi phải có quyết định liên ngành, không một ngành riêng biệt nào có đủ thẩm quyền giải quyết. Bên cạnh đó, hoạt động đổi mới sáng tạo và thực thi chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo còn khá phân tán với nhiều bên tham gia, đôi khi không có sự phối hợp, điều phối và thậm chí còn cạnh tranh với nhau, dễ dẫn đến khả năng trùng lặp và lãng phí nguồn lực. Việc xây dựng và thực thi chính sách cũng còn đang thiếu sự tham vấn của khu vực tư nhân để thiết kế chính sách đổi mới sáng tạo sát thực hơn.

Để giải quyết được các vấn đề này, trong thời gian tới cần có những cơ chế “đột phá”, thể chế hóa vào các luật về khoa học và công nghệ, trong đó thống nhất quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hoàn thiện hành lang pháp lý và công tác quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, các hệ thống đổi mới sáng tạo vùng, ngành, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam...

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đang thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và tăng cường sự gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong sản xuất, kinh doanh; kết nối các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, phát huy vai trò của các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, gắn kết với các địa phương thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Bộ chú trọng thúc đẩy các giải pháp nhằm tăng cường xã hội hóa đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp.

“Bộ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp, phát huy vai trò của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để hỗ trợ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp” Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.