Công nghệ

Hà Nội thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

Thu Hằng 01/10/2024 - 07:34

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo không chỉ là chìa khóa cho sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, mà còn là động lực quan trọng để Thủ đô Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung tiến xa hơn trên con đường phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo đó, thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp...

gioi-thieu-cac-san-pham-cua.jpg
Giới thiệu các sản phẩm của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông tại sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024.

Vẫn còn nhiều thách thức

Đổi mới sáng tạo là quá trình phát triển và áp dụng các công nghệ mới, thay đổi mô hình kinh doanh, quản lý và tiếp cận thị trường, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa các nguồn lực, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, từ đó gia tăng năng suất, sức cạnh tranh.

Thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực.

Là địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023, Hà Nội hiện cũng đứng đầu về số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ (168/800 doanh nghiệp khoa học và công nghệ của cả nước, chiếm 21%). Thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông là một trong những doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết cho biết, đổi mới sáng tạo của Rạng Đông là quá trình đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), cải tiến quy trình sản xuất và sử dụng công nghệ số nhằm tạo ra những sản phẩm chiếu sáng chất lượng, hiệu suất cao hơn, tiết kiệm điện hơn, sử dụng ít nguyên, vật liệu và thân thiện với môi trường. Cùng với đó, Công ty đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển hệ thống và giải pháp chiếu sáng xanh trong các công trình xây dựng, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Vì thế, doanh thu của công ty năm sau luôn cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, trên bình diện chung, kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua được đánh giá là chưa tương xứng với lợi thế của Thủ đô.

Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Đức Hoàng, trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với năng lực hạn chế, các hoạt động ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo chỉ có thể được đẩy mạnh nếu doanh nghiệp được tiếp cận, hỗ trợ các nguồn lực cần thiết về tài chính, nhân lực và công nghệ. Tuy nhiên, việc tiếp cận và nhận ưu đãi về tài chính cho hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ vẫn còn một số vướng mắc như cơ chế về quỹ đầu tư mạo hiểm, bảo lãnh và ưu đãi vốn vay, các quỹ phát triển khoa học và công nghệ…

Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ còn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là những kiến thức, kỹ năng về tìm kiếm, đánh giá, quản trị công nghệ, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Các nguồn cung công nghệ trong nước phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn sản xuất. Các chính sách về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa thực sự phù hợp với đặc thù về sự thay đổi nhanh, tính rủi ro, độ trễ và tác động đa chiều của công nghệ. Trong khi đó, các chính sách về tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ công nghệ từ nước ngoài chưa được tập trung và thiếu nguồn lực triển khai. Ngoài ra, việc nắm bắt thông tin về nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp cũng như cung cấp thông tin về công nghệ cho doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

Tiến sĩ Dương Thị Kim Liên, Viện trưởng Viện Hỗ trợ đổi mới sáng tạo doanh nghiệp nhận xét: Dù Hà Nội đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ, nhưng vẫn còn những hạn chế trong việc phát triển các khu công nghệ cao và trung tâm nghiên cứu. Hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ của thành phố vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ tiên tiến và dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc triển khai các giải pháp công nghệ mới. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng nhanh nhưng doanh nghiệp có tính đột phá sáng tạo chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 0,1% trên tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp).

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, theo Tiến sĩ Đỗ Anh Đức (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), Hà Nội cần chú ý đến vai trò của các doanh nghiệp, phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Đồng tình với nhận định này, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết nhấn mạnh, không có mô hình mẫu về đổi mới sáng tạo cho tất cả doanh nghiệp, mà mỗi doanh nghiệp phải tự tìm bước đi phù hợp với năng lực và trình độ của mình.

Tiến sĩ Dương Thị Kim Liên nhìn nhận, cơ hội cho doanh nghiệp Thủ đô trong quá trình đổi mới sáng tạo đến từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và thành phố Hà Nội, từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế, từ nhu cầu thị trường ngày càng tăng…

Để nâng cao hiệu quả của các chính sách ưu đãi đối với hoạt động đổi mới sáng tạo và khắc phục các thách thức nêu trên, Tiến sĩ Dương Thị Kim Liên cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, đào tạo. Hà Nội cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực tài chính, nhân lực và công nghệ, đồng thời cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Chỉ khi đó, doanh nghiệp Thủ đô mới có thể tận dụng tối đa các cơ hội từ toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế và hướng tới sự phát triển bền vững.

Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Đức Hoàng, hiện nay, ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ chung, các doanh nghiệp Thủ đô còn được hưởng ưu đãi đặc thù được quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, như: Nhận hỗ trợ từ ngân sách thành phố để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách thành phố để hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô; hỗ trợ chi phí ươm tạo; tham gia thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo...

“Các doanh nghiệp Thủ đô cần tập trung triển khai nhiệm vụ đánh giá năng lực, trình độ công nghệ của doanh nghiệp để cung cấp thông tin chi tiết về hiện trạng, tiềm lực đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Hà Nội cần sớm cụ thể hóa các chính sách đã được quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi) để huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo”, ông Nguyễn Đức Hoàng nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.