Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới phim để có chất lượng thực

Thi Thi| 25/08/2013 06:29

(HNM) - Bao giờ cũng vậy, mối quan tâm lớn nhất của khán giả và người làm nghề là liệu có nhiều phim và nhất là nhiều phim chất lượng để xem, để so tài và để cảm nhận không khí điện ảnh nước nhà thời gian qua không?



Bao giờ cũng vậy, mối quan tâm lớn nhất của khán giả và người làm nghề là liệu có nhiều phim và nhất là nhiều phim chất lượng để xem, để so tài và để cảm nhận không khí điện ảnh nước nhà thời gian qua không?

Tái diễn kịch bản "lặp lại"

Mặc dù chưa có danh sách chính thức các phim dự LHP lần thứ 18, song không khó để xác định những tác phẩm đủ điều kiện về thời gian. Trước hết phải kể đến 10 phim dự Cánh diều 2013 (sản xuất từ tháng 3-2012 đến 3-2013) gồm: "Đam mê", "Cát nóng", "Lạc lối", "Thiên mệnh anh hùng", "Lấy chồng người ta", "Scandal - Bí mật thảm đỏ", "Dành cho tháng sáu", "Gia sư nữ quái", "Cưới ngay kẻo lỡ", "Nhà có năm nàng tiên", "Mùa hè lạnh"… Ngay trong số này cũng có những cách biệt lớn về chất lượng, phản ánh đủ các chiều khen - chê. Nổi hơn cả là "Thiên mệnh anh hùng" đoạt giải tại LHP quốc tế Hà Nội lần hai (11-2012) và Cánh diều Vàng 2013. Cũng phải kể đến nhiều phim khác không dự Cánh diều và vẫn có thể dự LHP, nhưng tiếc là số ít tác phẩm chất lượng đã giành giải quốc tế thì vẻ như không mặn mà lắm với sân chơi trong nước này.

Một cảnh trong phim “Thiên mệnh anh hùng”.


Năm 2012 là năm có số lượng phim ra rạp lớn (hơn 20 phim), nhưng nhiều phim trong đó được coi là "thảm họa" như: "Giấc mộng giàu sang", "Nàng men chàng bóng", "Hello cô Ba"… Trong các phim của năm 2013 cho đến nay cũng có thể kể ra một loạt "tên tuổi" được truyền thông liệt vào hàng "đỉnh cao của phim nhảm" như: "Biết chết liền", "Săn đàn ông", "Lọ Lem Sài Gòn"…

Phim cũ thì đã khá rõ, khán giả trông đợi vào một số phim mới. "Đường đua" đã công chiếu và có tín hiệu về tinh thần làm phim do có sự đầu tư nghiêm túc. "Lửa phật" vừa ra mắt cuối tháng 8 với danh nghĩa "một bộ phim hành động giả tưởng đầu tiên của Việt Nam" thì đang vấp nhiều ý kiến trái chiều. "Những người viết huyền thoại" của đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng đã được thông qua Hội đồng duyệt phim quốc gia và đang chờ giấy phép phổ biến. Đây là một trong số ít ứng cử tiềm năng của mùa LHP lần này.

Dòng phim độc lập có "Nước" của Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Song theo thông tin của đoàn phim thì tháng 10 tới, phim mới bắt đầu được dựng ở Việt Nam và Mỹ. Dự kiến tháng 4 năm sau (2014) mới có thể ra mắt công chúng nước nhà nên chắc chắn không góp mặt ở LHP năm nay. "Bước khẽ tới hạnh phúc" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, mặc dù đã đóng máy chừng một năm nay nhưng vì những lý do nội bộ nên hiện phim vẫn chưa được công bố và cũng lại lỗi hẹn với Quảng Ninh vào tháng 10 tới.

Đã có đạo diễn phân tích rằng: "Điều cốt yếu nhất ở các LHP là phải chủ động được nguồn phim. Nguồn phim của ta đã ít thì chớ, trong khi hai năm một kỳ LHP, mỗi năm cũng lại có một kỳ chấm giải của Hội Điện ảnh. Thế là tái diễn mãi cảnh nhàm tẻ vì chừng ấy gương mặt cứ xét đi, xét lại".

Tìm kiếm yếu tố mới và tạo nguồn phim

Một sân chơi của điện ảnh quốc gia mà không có nhiều phim và đặc biệt số lượng phim nhàng nhàng, thậm chí phim dở lại rôm rả hơn, lắm khi đứng cùng "sân" với phim được làm nghiêm túc, chuyên nghiệp thì thật đáng suy nghĩ. Thường thấy, áp lực đặt lên vai nhà tổ chức là ở chỗ, "nếu quá ít phim được sản xuất, đăng ký mà loại đằng thẳng ra thì biết lấy đâu ra phim dự thi?". Cũng đã có ý kiến chất vấn tại sao Hội đồng duyệt phim quốc gia không chặn ngay những phim "thảm họa", thì câu trả lời là vì những phim này không vi phạm những điều cấm của quy trình duyệt phim!

Mong muốn tạo những kỳ LHP chất lượng thực chất phải bắt đầu từ thúc đẩy sản xuất phim. Đây cũng là áp lực lâu dài và có tính chất căn cốt nhất đối với ngành điện ảnh. Chia sẻ với Báo Hànộimới, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói: "Mấy năm qua, phim nhảm cũng nhiều, phim hay cũng có. Đổi mới thì đổi mới phim chứ LHP thì nên giữ một phong cách". Nhà làm phim độc lập Phan Đăng Di cho rằng: "Một yếu tố quan trọng khác của LHP là tìm kiếm yếu tố mới mẻ, tạo nguồn cho các dự án đầu tư phim và cũng là tạo phim cho các kỳ liên hoan sau. Nhưng hầu như yếu tố mới mẻ và sự tìm kiếm, nâng đỡ người trẻ của chúng ta bị bỏ trống. Một vài phim nhà nước đã là quá ít, nhưng người được giao phim cũng lại quen thuộc, thì rõ ràng khó mà tạo ra được sự hấp dẫn cho khán giả, người làm nghề. Các LHP quốc tế, không kể tới xa xôi như Cannes mà ngay cả LHP Pusan (Hàn Quốc), họ cũng rất chú trọng tìm kiếm những gương mặt trẻ, những dự án triển vọng để tiếp tục đầu tư".

Dẫu không muốn vẫn cứ phải nhắc lại mong mỏi của những người làm nghề: Nên đầu tư trọng điểm để có những bộ phim tỏ rõ sự chỉn chu, chuyên nghiệp hơn là đầu tư dàn trải mà mờ nhạt. Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng phải sớm vận hành để hỗ trợ người thực sự muốn làm phim tử tế. Nhiều nhà làm phim độc lập, hay các nhà làm phim trẻ phải cầm cố nhà và những tài sản giá trị để theo nghề… Nếu không thì họ cũng phải tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các quỹ điện ảnh quốc tế, mà đâu có dễ dàng, có khi 4-5 năm mới được một bộ phim.

Cuối cùng, để có thể đạt được mục tiêu như dự thảo "Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030" đề ra là có phim tham dự các LHP quốc tế, thiết lập thị trường điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài… thiết nghĩ cũng phải bắt đầu từ các LHP chất lượng trong nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới phim để có chất lượng thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.