Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới nhận thức phải gắn liền thực tiễn

Quốc Bình| 09/03/2015 06:16

(HNM) - Trong quá trình đổi mới, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ, sát thực tế hơn khái niệm tổng quát về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Vừa qua, Trung ương đã đưa vào Dự thảo Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới khái niệm mới về "KTTT định hướng XHCN". Hội thảo về cùng chủ đề này do Hội đồng Lý luận Trung ương (HĐLLTƯ) tổ chức mới đây càng cho thấy ý nghĩa của việc làm này.

KTTT là sản phẩm của văn minh nhân loại, được phát triển tới trình độ cao dưới chủ nghĩa tư bản, nhưng tự thân KTTT không đồng nghĩa với chủ nghĩa tư bản. GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch HĐLLTƯ, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, nêu rõ: Thực tế 30 năm đổi mới ở nước ta chứng minh đầy sức thuyết phục về việc sử dụng KTTT làm phương tiện để xây dựng CNXH, với nhiều bước tiến trên các mặt đã giúp Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Thành tựu đó gắn liền với quá trình không ngừng đổi mới nhận thức của Đảng ta về khái niệm này.

Trong quá trình nghiên cứu tổng kết thực tiễn, kế thừa và tiếp thu những thành quả lý luận của các Đại hội Đảng qua 6 kỳ đại hội gần đây, Trung ương đã đưa vào Dự thảo Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới một khái niệm mới về KTTT định hướng XHCN. Khái niệm này đã được tiếp thu và đưa vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII. Trong đó, phần mở đầu nêu rõ: "Nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Các nhà khoa học đều tán đồng với yêu cầu đổi mới nhận thức về khái niệm nền KTTT định hướng XHCN. Tuy nhiên, hầu hết đều cho rằng, những đổi mới về nhận thức phải gắn liền với những đổi mới về hành động thực tiễn. Đảng cần chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Trong đó, phải có chính sách thúc đẩy phát triển để các doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH.

GS, TS Nguyễn Quang Thái, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết, năm 1999 khi Luật Doanh nghiệp bắt đầu thi hành, kinh tế tư nhân chỉ chiếm 10% nguồn vốn đầu tư cả nước, đến nay, thành phần kinh tế này đã chiếm tới 53%. Ông cho rằng, phải thừa nhận thực tế là kinh tế tư nhân đang giữ vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế nên cần phải tạo ra những cơ chế để doanh nghiệp ở mọi loại hình đều phát huy hết thế mạnh, đóng góp cho đất nước. Nhiều chuyên gia khác cũng thống nhất cho rằng, xây dựng nền KTTT định hướng XHCN là bảo đảm không chệch hướng chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng ta, nhưng để phát huy triệt để sức sản xuất, nền KTTT nước ta phải thực hiện đầy đủ các yếu tố mang tính nguyên tắc, tính quy luật của KTTT nói chung, phát huy đầy đủ quyền tự do kinh doanh của người dân như Hiến pháp quy định. Yếu tố thị trường phải thể hiện rõ trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực, đồng thời giúp giám sát, sàng lọc, đào thải các doanh nghiệp yếu kém. GS, TS Đỗ Hoài Nam, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất khái niệm: "Phát triển nền KTTT đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để bảo đảm định hướng XHCN trong phát triển đất nước".

Các nhà khoa học đều ủng hộ việc trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII, Trung ương đã đề ra mục tiêu, đến năm 2020, phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế KTTT định hướng XHCN theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế. Đồng thời, các nhà khoa học khẳng định, từ nay đến thời điểm đó, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để khắc phục những hạn chế, ngày càng hoàn thiện mô hình KTTT định hướng XHCN hiện nay. Trong đó, việc trước tiên cần làm là phải tìm ra nguyên nhân vì sao thị trường còn méo mó; hoàn thiện các thể chế, cơ chế điều hành, quản lý. Các giải pháp khắc phục đều phải hướng tới mục tiêu đúng như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) đã nêu rõ là phải giải phóng triệt để sức sản xuất, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng:
Chưa phối hợp tốt nguồn lực bên ngoài với bên trong

Trong quá trình xây dựng, phát triển và hoàn thiện mô hình KTTT định hướng XHCN thời gian qua, chúng ta còn có nhiều hạn chế và gặp không ít trở ngại. Rõ nhất là chưa tạo được đột phá lớn trong huy động, phân bố và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển. Trình độ phát triển của các loại thị trường thấp, vận hành chưa thật sự đồng bộ, thông suốt. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm; Nhà nước còn can thiệp trực tiếp quá lớn trong nền kinh tế; vẫn còn tình trạng bao cấp, "xin - cho" trong xây dựng và thực hiện một số cơ chế, chính sách. Sự tham gia giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước còn hạn chế. Hội nhập kinh tế quốc tế chưa kết hợp và phát huy tốt nguồn lực bên ngoài với nguồn lực trong nước để phát triển. Các nỗ lực đổi mới kinh tế trong nước chưa thật sự đáp ứng yêu cầu hội nhập...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới nhận thức phải gắn liền thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.