(HNM) - Sự nghiệp "trồng người" được Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm ngay từ những ngày đầu lập nước. Bên cạnh diệt "giặc đói", phong trào diệt "giặc dốt" cũng nhận được sự ủng hộ, triển khai rộng khắp.
Nhờ đó, không chỉ giành độc lập, tự do, Việt Nam đã và đang từng bước khẳng định được vai trò, vị thế trên trường quốc tế. Thành quả đó có đóng góp không nhỏ của ngành giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, thời gian qua, dường như giáo dục không theo kịp với tốc độ phát triển của đất nước. Bên cạnh chất lượng dạy học chưa cao, tình trạng "chạy trường, chạy lớp" là chương trình sách giáo khoa quá nặng, không phù hợp, mất cân đối. Chính các chuyên gia trong ngành cũng bức xúc với chất lượng sách giáo khoa. Nhiều ý kiến cho rằng, càng lên lớp trên, tính "hàn lâm, kinh viện" càng nặng, khả năng tác động đến sự phát triển và hoàn thiện năng lực của học sinh càng yếu; nhiều kiến thức trong chương trình không cần thiết với bậc phổ thông, quá sức với đại bộ phận học sinh. Không chỉ quá tải về kiến thức mà cả về số lượng sách giáo khoa, sách tham khảo.
Theo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhìn chung, nội dung chương trình - sách giáo khoa cơ bản đã bảo đảm được tính chính xác, khoa học; đã xây dựng được chuẩn kiến thức, kỹ năng của mỗi cấp học, các môn học làm căn cứ thống nhất trong chỉ đạo, quản lý quá trình giáo dục... Tuy vậy, việc biên soạn còn chưa cân đối giữa "dạy chữ" với "dạy người", giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của một số môn học. Nhiều nội dung trong một số môn học yêu cầu cao hơn khả năng tiếp thu trung bình của học sinh…
Có thể thấy, đánh giá trên không phủ nhận những nỗ lực, sáng kiến của ngành giáo dục nói chung, cũng như đội ngũ biên soạn sách giáo khoa nói riêng. Thế nhưng, từ việc chương trình học và sách giáo khoa "chẳng giống ai", quá nặng hiện nay cho thấy sáng kiến, nỗ lực, thành ý có thể chưa phù hợp, mà chưa phù hợp thì phải điều chỉnh. Không thể liên tục đưa học sinh ra làm "chuột bạch" để tránh những hậu quả khôn lường.
Rõ ràng, để nâng cao toàn diện chất lượng sách giáo khoa thì phải cải cách ngay trong cách làm. Nói thì dễ, làm mới khó, nhưng không thể vì khó mà thiếu trách nhiệm với sự nghiệp "trồng người". Tại sao trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đầy rẫy những khó khăn, giáo dục vẫn đạt những thành quả lớn lao? Chắc hẳn là ở cách làm phù hợp! Giáo dục trước hết là ở nhân cách, đạo đức, rồi mới hướng tới đào tạo thành những nhân tài, thiên tài. Giáo dục ở các nước tiên tiến trên thế giới trọng việc tự học, tự tiếp thu, phát triển tư duy cá nhân, sáng tạo, còn ở ta hiện nay thiên về đọc chép, nhồi nhét… Tiếp cận đúng chắc hẳn sẽ tìm ra phương pháp đúng, có như vậy cả ngành giáo dục và học sinh mới đều được "giảm tải".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.