(HNM) - HĐND các địa phương đã đổi mới, hoạt động hiệu quả hơn so với nhiệm kỳ trước. Song, vẫn còn hạn chế như chất lượng đại biểu chưa đồng đều, hoạt động giám sát, tái giám sát chưa theo kịp thực tiễn...
Còn "ngại va chạm"
Là huyện thuần nông nên nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND huyện Ứng Hòa đã bám sát Chương trình 02 của Thành ủy về xây dựng nông thôn mới, ban hành 70 nghị quyết trên các lĩnh vực, trong đó đa phần liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Bà Lê Thị Loan (đại biểu HĐND huyện Ứng Hòa) nhận xét, HĐND huyện đã nâng cao hiệu quả hoạt động, đưa ra những quyết sách hợp lòng dân như: chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn; công tác dồn điền đổi thửa. Đến nay, diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống của người dân được cải thiện. Nhưng, theo bà Loan, việc giám sát thực thi chính sách của HĐND còn hạn chế; đại biểu chưa gần gũi với nhân dân, chưa sâu sát cơ sở. Ông Nguyễn Trung Quân, Chủ tịch HĐND xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) đánh giá, việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND các xã chưa tiến hành thường xuyên; nhiều kiến nghị của cử tri được trả lời, giải quyết chung chung, hứa rồi để đấy, làm giảm lòng tin của cử tri. Còn theo ông Đỗ Thế Doanh, Thường trực HĐND xã Hòa Xá (Ứng Hòa), nhiều đại biểu kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động HĐND; còn biểu hiện né tránh, ngại va chạm trong thảo luận, chất vấn.
Đại biểu chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam |
Liên quan đến chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND quận Cầu Giấy cũng thẳng thắn chỉ rõ, hoạt động giám sát của Thường trực và các ban của HĐND quận đều thực hiện đúng kế hoạch. Nhưng sau giám sát, một số vấn đề kiến nghị của cử tri chậm khắc phục; việc đôn đốc, giám sát của các đại biểu đối với các cơ quan chức năng trong thực hiện nội dung kiến nghị của Đoàn giám sát có lúc, có nơi chưa kịp thời, có việc kéo dài nhiều năm, đặc biệt là việc tái giám sát rất hạn chế. Chính vì chưa đeo bám, giải quyết triệt để vấn đề sau giám sát nên công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị của một số phường có lúc bị buông lỏng, gây bức xúc trong nhân dân. Ông Nguyễn Bá Bách (đại biểu HĐND phường Nghĩa Đô - Cầu Giấy) cho biết, vấn đề quản lý đô thị, đất đai của phường rất "nóng", nhiều sai phạm tồn đọng từ các nhiệm kỳ trước, khó giải quyết.
Tiếp tục đổi mới
Những hạn chế nêu trên không chỉ diễn ra ở quận Cầu Giấy hay huyện Ứng Hòa và không dễ giải quyết.
Theo Phó Chủ tịch HĐND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền, nhiều đại biểu kiêm nhiệm chưa quan tâm, dành thời gian đúng mức cho hoạt động của HĐND, nhưng nếu tăng đại biểu chuyên trách thì lại vướng định biên thành phố giao cho các quận, huyện. Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân Nữ (đại biểu HĐND TP Hà Nội và HĐND phường Dịch Vọng Hậu), tiếng nói, "tính đấu tranh" trước các vấn đề bức xúc ở cấp phường rất hạn chế do thiếu cơ chế hoạt động, chưa kể đến bản lĩnh của đại biểu. Bà Nữ đề xuất, nhiệm kỳ tới cần phải đổi mới mạnh mẽ thì hoạt động HĐND các địa phương mới thực chất và hiệu quả hơn.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Bá Bách (đại biểu HĐND phường Nghĩa Đô - Cầu Giấy) hiến kế, tăng đại biểu chuyên trách phải đi đôi với nâng cao chất lượng đại biểu; phổ biến, tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho đại biểu, nên dành một khoản ngân sách nhất định để trong trường hợp đặc biệt, HĐND có thể sử dụng thuê chuyên gia tư vấn độc lập. Điều này là cần thiết, nhất là ở cấp phường, xã, thị trấn, bởi thực tế, đại biểu HĐND muốn giám sát nhiều vấn đề về thu chi tài chính, quy trình thẩm duyệt đề án, dự án…, nhưng gần như bất lực. Đây là những vấn đề cần được quan tâm, khắc phục triệt để. Có như vậy mới giúp cho hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương thiết thực, hiệu quả.
Theo Đề án 04/ĐA-TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp", HĐND thành phố dành ít nhất một ngày và HĐND cấp huyện, xã dành ít nhất 1/2 ngày để thực hiện phiên chất vấn. Tuy nhiên, không có nhiều HĐND cấp xã dành 1/2 ngày của kỳ họp để thực hiện nội dung chất vấn. Cũng do năng lực của Thường trực HĐND cấp xã nhiều nơi còn yếu, nên có nơi không tổ chức thẩm tra các báo cáo, tờ trình hoặc có tổ chức thẩm tra nhưng không có báo cáo thẩm tra trình HĐND. Do đặc điểm tổ chức HĐND cấp huyện, xã (ít đại biểu chuyên trách, không có các ban ở cấp xã, chất lượng cán bộ hoạt động chuyên trách HĐND không đồng đều… và không ít nơi chưa được cấp ủy thực sự quan tâm, tạo điều kiện) nên chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND cấp huyện, xã còn có khó khăn, hạn chế nhất định. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.