(HNM) - Hôm qua (22-6), khoảng 870 nghìn thí sinh cả nước đã trải qua ngày thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia 2017 trong điều kiện thời tiết ở nhiều nơi khá nắng nóng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức thi theo hình thức
Khoan hãy nói đến chất lượng kỳ thi cũng như bài làm của thí sinh, bởi sau khi kết thúc đợt thi mới có thể kết luận được. Song, qua ngày thi đầu tiên, những mặt tích cực của sự đổi mới đã thể hiện rõ ràng: Thí sinh bớt căng thẳng hơn do được thi tại địa điểm quen thuộc; phụ huynh và thí sinh đỡ vất vả, mệt mỏi vì không phải di chuyển xa; cảnh phụ huynh vạ vật chờ con trước cổng trường đã ít hẳn.
Điểm khác biệt là năm nay, 63 địa phương trong cả nước được giao toàn quyền chủ động trong khâu tổ chức, Bộ GD-ĐT cử giáo viên các trường đại học, cao đẳng về hỗ trợ. Chính sự thay đổi này giúp thí sinh và phụ huynh không phải đổ dồn về các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh như các năm trước, mà dự thi ngay tại địa phương.
Thời gian thi THPT quốc gia 2017 cũng được tổ chức sớm hơn mọi năm để tạo thuận lợi cho công tác xét tuyển đại học, cao đẳng. Cùng với đó, ngoài môn ngữ văn, các môn thi còn lại được chuyển sang hình thức trắc nghiệm nhằm bảo đảm tính trung thực, tránh học tủ, học lệch. Với hai ngày rưỡi thi thực tế, kỳ thi này được rút ngắn hơn so với năm 2016. Đặc biệt, cấu trúc đề được thiết kế phù hợp để phân hóa kết quả thi tốt hơn.
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 tiếp tục được ngành GD-ĐT thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trong đó, yêu cầu đổi mới được triển khai theo hướng giảm áp lực, tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội nhưng kết quả thi phải bảo đảm độ tin cậy để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cho các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh.
Rõ ràng kết quả của sự thay đổi nào cũng cần phải có thời gian để trả lời. Kỳ thi năm nay với nhiều đổi mới cũng không phải là ngoại lệ. Không ít ý kiến cho rằng, việc tổ chức thi như vậy sẽ đặt lên vai các địa phương trách nhiệm khá nặng nề, nhất là với những nơi chưa có kinh nghiệm. Một số khác lo ngại việc giao quyền chủ động cho các sở GD-ĐT tổ chức thi sẽ khó nghiêm túc vì áp lực tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hoặc do chạy theo “bệnh thành tích” mà lơi lỏng? Bộ GD-ĐT sẽ giải quyết như thế nào để bảo đảm khách quan, công bằng cho tất cả thí sinh?
Những băn khoăn, lo lắng đó cũng đúng. Nhưng có thể tin rằng, với những kinh nghiệm được đúc rút từ hai kỳ thi năm 2015 và 2016, trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD-ĐT đặc biệt nhấn mạnh đến việc phối hợp đi liền với phân cấp, gắn tự chủ với tự chịu trách nhiệm cho các địa phương, đơn vị, kỳ thi năm nay sẽ thành công. Đặc biệt, công tác thanh tra được coi trọng, tất cả các vi phạm quy chế thi đều được xử lý nghiêm túc, đủ sức răn đe theo quy định của quy chế và pháp luật hiện hành.
Như khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi kiểm tra thi và công tác coi thi tại TP Cần Thơ ngày 22-6: Tinh thần chung của Chính phủ là tổ chức một kỳ thi trung thực, an toàn, thuận tiện nhất cho thí sinh và gia đình, giảm bớt áp lực không cần thiết. Tất cả vì một kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế, bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan, công bằng đối với các thí sinh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.