(HNM) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng sẽ khai mạc trong ít ngày tới. Đó cũng là thời điểm đánh dấu tròn 4 nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương. Với tinh thần trách nhiệm cao, Hội đồng Lý luận Trung ương đang quyết tâm đổi mới cả tổ chức và hoạt động nhằm góp phần đắc lực hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới đất nước.
Tổng kết chương trình nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2011 - 2015 (mã số KX.04/11-15), Hội đồng Lý luận Trung ương đã triển khai tổ chức thực hiện 31 đề tài, chương trình đóng góp quan trọng trong xây dựng và bảo đảm độ vững chắc về mặt lý luận cho Báo cáo tổng kết
30 năm đổi mới đất nước (1986 - 2016) cùng các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Đây là một phần trong những đóng góp thầm lặng của Hội đồng Lý luận Trung ương đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong những năm qua. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn đời sống, Hội đồng Lý luận Trung ương đã triển khai xây dựng Đề án "Đổi mới mô hình Hội đồng Lý luận Trung ương". Chuẩn bị Đề án tốt nhất trước khi trình Bộ Chính trị, các thành viên Hội đồng đã thảo luận qua nhiều vòng, lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị. Mặc dù đến thời điểm này, Đề án chính thức chưa được thông qua, song, quá trình thảo luận, nhất là những ý kiến tham gia vào Đề án cho thấy tinh thần, quyết tâm đổi mới rất lớn của các thành viên Hội đồng. PGS.TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, Hội đồng Lý luận Trung ương không nên cơ cấu 50% là chuyên trách, vì như vậy sẽ trở thành cơ quan. Bộ máy cần gọn nhẹ, nhưng "tinh". Làm sao bằng cách thể chế hóa và vai trò của người đứng đầu mà tạo thành các bàn tay nối dài, các chân rết đa hướng để hoạt động nghiên cứu lý luận.
Một số ý kiến cho rằng, Đảng ta luôn xác định lý luận là dẫn đường, không có lý luận khoa học thì Đảng không thể giữ được vai trò lãnh đạo đối với đất nước và toàn xã hội. Tuy nhiên, Hội đồng Lý luận Trung ương lại được thành lập theo nhiệm kỳ. Điều này làm nảy sinh mâu thuẫn giữa vai trò, vị trí "dẫn đường" không thể thiếu vắng của lý luận chính trị với tính không ổn định của một tổ chức làm công tác nghiên cứu tư vấn về lý luận chính trị. Chưa kể trong khi nhiệm vụ ngày càng tăng, tổ chức bộ máy của Hội đồng vừa không ổn định vừa nhỏ bé. Chế độ cung cấp, tiếp cận thông tin của Hội đồng còn nghèo nàn, khó khăn. GS.TS Đỗ Hoài Nam, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam nêu ý kiến: Hội đồng Lý luận Trung ương tuy có thực hiện chức năng đầu mối, nhưng thực sự không có uy lực. Mối quan hệ giữa Hội đồng với các cơ quan lớn như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh còn mờ nhạt. TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nhấn mạnh: Hội đồng Lý luận Trung ương phải là cơ quan độc lập và chủ động; có chức năng tư vấn; đồng thời phải xây dựng "đặc quyền" tiếp cận thông tin. Theo ông, Hội đồng nên trực thuộc Ban Bí thư; các thành viên được quy định một số ưu đãi đặc biệt về nghiên cứu và phát biểu ý kiến.
Từ góc nhìn quản lý giáo dục "thay đổi cách thi là sẽ thay đổi cách học", GS.TS Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, đổi mới Hội đồng Lý luận Trung ương cần phải đổi mới cách làm đề tài. Nếu cứ để tự các cơ quan nghiên cứu đề xuất đề tài như hiện nay sẽ tiếp tục có những đề tài ưu tú, xuất sắc mà vẫn để trong ngăn kéo. Cần phải xây dựng cơ chế để Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặt hàng nghiên cứu. Đồng tình với ý kiến trên, GS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân khẳng định, cơ chế tài chính hiện nay đang hạn chế sức sáng tạo của các nhà khoa học. Tốt nhất nên đổi mới theo hướng Hội đồng Lý luận Trung ương đặt hàng nghiên cứu. GS.TS Nguyễn Văn Nam cũng góp ý, Hội đồng nên tổ chức nhóm nghiên cứu tổng kết tất cả những nghiên cứu đã thực hiện từ trước đến nay để giúp các nghiên cứu tiếp theo kế thừa, tránh phải làm lại những gì đã có.
TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh khẳng định, cái tồn tại lớn nhất của Hội đồng là dường như chưa tập trung giải quyết vấn đề thực tiễn đang đặt ra mà mới dừng lại ở sách vở. Mô hình Hội đồng tổ chức theo cách nào đi nữa cũng phải bảo đảm việc đọc đúng vấn đề, ra "đầu bài" chất lượng và tập hợp lực lượng để xử lý "đầu bài". Hội đồng Lý luận Trung ương phải tiên phong trong vấn đề lý luận, thực hiện những đề tài không nghiệm thu thông thường, đề cập những vấn đề mà các nơi nghiên cứu khác không dám nói, không dám nghiên cứu, phục vụ nhiệm vụ của Đảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.