(HNM) - Thời gian qua, lĩnh lực khoa học và công nghệ (KH&CN) nước ta đã có những bước phát triển ấn tượng, tiềm lực KH&CN được đẩy mạnh, thị trường KH&CN được mở rộng.
Hoàn thiện chính sách
Trong điều kiện tiềm lực kinh tế còn thấp, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng khích lệ so với các quốc gia có quy mô kinh tế tương đồng xét về trình độ, môi trường cho phát triển KH&CN. Đặc biệt, giai đoạn 2011-2015, môi trường thể chế và hệ thống pháp luật về KH&CN của Việt Nam được hoàn thiện, khi lần đầu tiên Đảng, Nhà nước đã ban hành các văn bản tối cao, khẳng định rõ quan điểm, đường lối và tầm nhìn dài hạn về phát triển KH&CN. Các đổi mới được tập trung vào ba nhóm chế định: Đầu tư và tài chính, chính sách cán bộ, quản lý hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN. Trong đó phải kể đến việc ấn định mức chi tối thiểu 2% ngân sách nhà nước hằng năm cho KH&CN là sự luật hóa cam kết của Nhà nước đầu tư cho KH&CN. Nhiều đổi mới khác đang tạo động lực lớn trong cộng đồng khoa học như: Mở rộng cơ chế quỹ, khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, đổi mới nội dung và định mức chi để tháo gỡ các vướng mắc về tài chính cho KH&CN; tăng cường cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN để bảo đảm giải quyết trúng nhu cầu của thực tiễn; trao quyền sở hữu kết quả KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì để thúc đẩy thương mại hóa, ứng dụng rộng rãi thành tựu KH&CN. Các chính sách thu hút, sử dụng cán bộ KH&CN được cụ thể hóa theo các nhóm đối tượng mục tiêu, đó là: Nhà khoa học trẻ tài năng, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ trọng điểm quốc gia, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài.
Nguồn nhân lực khoa học - công nghệ chất lượng cao sẽ góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa. |
Đối với lĩnh vực phát triển tiềm lực KH&CN, việc đổi mới chính sách đầu tư và cơ chế tài chính cho KH&CN được triển khai mạnh mẽ, áp dụng cơ chế quỹ phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN, tích cực thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách để đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động KH&CN, thông qua sự đổi mới của Quỹ phát triển KH&CN quốc gia và sự ra đời của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN Việt Nam. Đề án xây dựng quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được triển khai xây dựng làm cơ sở để định hướng phát triển hoạt động KH&CN trong thời gian tới…
Nghị định số 40/2014/NĐ-CP và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP, tạo ra bước đột phá về cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ nhân lực KH&CN trình độ cao. Công tác đầu tư và phát triển hạ tầng KH&CN tại ba khu công nghệ cao quốc gia đã đạt được những kết quả rõ rệt, đầu tư và hoạt động công nghệ cao được triển khai đồng bộ, hiệu quả; hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm được củng cố.
Thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN
Với những cơ chế, chính sách đổi mới, những năm qua, cùng sự đóng góp tích cực của Bộ KH&CN, nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ. Công tác phát triển doanh nghiệp KH&CN đã được quan tâm, tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách, nhân rộng các mô hình doanh nghiệp KH&CN hoạt động có hiệu quả. Hoạt động hỗ trợ đổi mới, sáng tạo KH&CN được đẩy mạnh. Việc triển khai hành lang pháp lý, hình thành các định chế trung gian của thị trường KH&CN được xác định là khâu then chốt và được đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động mua bán, giao dịch, chuyển giao công nghệ, nhiều hoạt động đã được tổ chức để kết nối doanh nghiệp với thị trường KH&CN như Techmart, kết nối cung cầu, thúc đẩy khởi nghiệp bằng KH&CN.
Những điểm mới mang tính đột phá trong các chính sách cũng đã đem lại hiệu quả thiết thực với sự phát triển của KH&CN Hà Nội. Trong 5 năm qua, Sở KH&CN Hà Nội đã tham mưu cho thành phố ban hành nhiều chính sách, tạo môi trường thông thoáng và thuận lợi, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy KH&CN phát triển. Trong số đó phải kể đến Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, là cơ sở để định hướng xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch KH&CN hằng năm và trong suốt 5 năm qua của thành phố. Hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển KH&CN; nâng cao nhận thức của các cấp về vai trò, vị trí của KH&CN. HĐND TP Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 04/2013 về chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển KH&CN và các nhà khoa học tham gia thực hiện chương trình trọng điểm của thành phố theo quy định của Luật Thủ đô. Nghị quyết đã đề xuất những đột phá về cơ chế, chính sách trong hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như việc thuê chuyên gia trong và ngoài nước tham gia thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm của Thủ đô. Mới đây, nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN của các tổ chức, cá nhân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, TP Hà Nội đã thành lập Quỹ phát triển KH&CN và ban hành Quyết định phê duyệt Điều lệ tổ chức, hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN, góp phần hỗ trợ cơ chế, chính sách cho các đề tài khoa học có giá trị ứng dụng thực tiễn cao.
Ngành KH&CN Thủ đô đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, các chuyên gia trong và ngoài nước đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng như: Dự án Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao và giám định công nghệ tại Hòa Lạc; Dự án Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên tại quận Tây Hồ; Dự án Trung tâm Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm tại huyện Đông Anh; Dự án cải tạo, sửa chữa trụ sở và đầu tư trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng... Đây được coi là yếu tố then chốt, đẩy nhanh phát triển và ứng dụng KH&CN, chuyển giao công nghệ để phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hòa nhập với kinh tế thế giới, đòi hỏi các sản phẩm phải có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước, quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.