(HNM) - Mới đây, tại cuộc gặp gỡ với các giáo viên dạy môn lịch sử toàn quốc do Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức, các nhà sử học nổi tiếng trong nước và quốc tế đã cùng trao đổi về giải pháp nâng cao hiệu quả và chất lượng giảng dạy môn lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử thế giới.
Cập nhật quan điểm
Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, trong khoảng 3 thập niên gần đây, kết quả nghiên cứu sử học Việt Nam không chỉ giúp nâng cao hiểu biết về lịch sử mà trên một số phương diện nào đó còn tạo cơ sở cho nhận thức mang tính toàn diện và sâu sắc hơn. Có những quan điểm mới cần được ngành giáo dục cập nhật, một số đã được đưa vào giáo trình ĐH nhưng chưa có mặt trong giáo dục phổ thông. GS Phan Huy Lê nhấn mạnh: Về phân định các thời kỳ phát triển của lịch sử, xu hướng hiện nay là nên tránh cách phân kỳ mang tính công thức, cần dựa vào chính tiến trình lịch sử Việt Nam, kết hợp cả hình thái kinh tế - xã hội với công cuộc dựng nước và giữ nước để phân chia thành các thời kỳ phù hợp. Đặc biệt, lịch sử Việt Nam cần được nhận thức trong mối quan hệ mật thiết với điều kiện tự nhiên, nhất là môi trường sinh thái, và trong mối quan hệ giao lưu, tương tác chặt chẽ với khu vực và thế giới. Nhiều tác phẩm lịch sử không quan tâm đúng mực tới vai trò của điều kiện tự nhiên, hoặc lấy điều kiện tự nhiên hiện nay để lồng ghép vào các thời kỳ đã qua, thoát ly bối cảnh và quan hệ giữa các nước trong khu vực và thế giới. Phương pháp đó không phù hợp, bởi chỉ khi đặt mỗi đất nước trong sự phát triển chung thì mới có cái nhìn sâu sắc, mới nhận thức đúng đắn về cái chung và cái riêng, tránh được cách nhìn nhận chủ quan, phiến diện.
Thông qua các buổi tham quan, ngoại khóa... học sinh dễ tiếp thu bài giảng lịch hơn. Ảnh: Bảo Lâm |
Với việc giảng dạy môn lịch sử thế giới, GS Marc Jason Gilbert, Chủ tịch Hội Sử học thế giới đưa ra những quan điểm khá mới mẻ: Hiện nay, rất ít khóa học ở bậc ĐH và CĐ chú trọng tới lịch sử thế giới như một ngành khoa học. Thay vào đó, người ta thường nhấn mạnh tới lịch sử khu vực và quốc gia. Tuy nhiên, điều này đang được thay đổi, các chủ đề bao gồm ranh giới đang bị phá vỡ. Sinh viên cần nghiên cứu theo những biến đổi vĩ mô, với góc nhìn toàn cầu về sự chuyển giao tư tưởng, di dân, lương thực, biến chuyển dân số làm khuếch tán văn hóa và sự liên hệ giữa cộng đồng thuộc các khu vực khác nhau… Đó là những tác nhân chính dẫn đến sự thay đổi trong lịch sử thế giới.
Ít hơn mà tốt hơn
Yêu cầu của môn học cũng như cách học, cách kiểm tra, đánh giá là vấn đề được các sử gia quan tâm phân tích. Theo GS M.G. Gilbert, học lịch sử là học suốt đời, không yêu cầu sinh viên nắm bắt hết mọi mặt của lịch sử ngay lập tức. Hiện nay, môn học này thường được trình bày như một chuỗi nhàm chán. Sinh viên thường phải bỏ qua tư liệu để "chạy" giáo án, hoặc nhảy cóc trước kết cấu lịch sử. Việc giảng dạy trên lớp và kiểm tra, đánh giá có vai trò then chốt song không thể nêu ra một "chuẩn" và coi đó như mục đích cuối cùng của việc học. "Chỉ có tư duy như một nhà nghiên cứu lịch sử thế giới thì nội dung và cách thức kiểm tra, đánh giá mới có thể song hành cùng việc học được". - GS M.G. Gilbert khẳng định.
GS Vũ Dương Ninh, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia Hà Nội) lưu ý: Phải tính tới hoàn cảnh của từng quốc gia, khu vực khi giảng dạy môn lịch sử thế giới. Việc nâng cao chất lượng dạy và học môn này phải là một quá trình, không thể nóng vội, đòi hỏi chuyển biến ngay được. Ông gợi mở phương châm "thà ít mà tốt", không tham dồn nén kiến thức mà chọn lọc các sự kiện, vấn đề lịch sử cần thiết nhất để học sinh hiểu được bức tranh chung của lịch sử thế giới qua từng thời kỳ, không đi quá sâu vào từng chi tiết, sự kiện. Trong điều kiện thời lượng dành cho môn sử còn hạn hẹp, điều cần làm là định lượng hợp lý, không gây căng thẳng, ức chế trong giờ học với cả người dạy và người học.
Trong nội dung giảng dạy, các chuyên gia cho rằng nên chú ý vị trí của Việt Nam với đặc điểm nằm trên "tọa độ ba chiều" Đông Á - Đông Nam Á - Thái Bình Dương. Điều này không chỉ đúng về mặt địa lý, mà còn đúng cả về lịch sử, văn hóa và chính trị hiện tại. Do vậy, trên nền chung của lịch sử thế giới, cần dành sự ưu tiên thích đáng cho lịch sử của khu vực này, nhất là những sự kiện, những vấn đề liên quan đến Việt Nam. Công cuộc giải phóng dân tộc ở Việt Nam có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình cách mạng thế giới, cần được gắn kết với lịch sử thế giới, không nên chỉ thấy ảnh hưởng một chiều của thế giới đối với Việt Nam. Từ những căn cứ này, có thể tính đến khả năng vận dụng những kinh nghiệm của lịch sử thế giới vào thực tiễn Việt Nam. Theo GS Vũ Dương Ninh, như vậy thì kiến thức lịch sử sẽ sống động, gần gũi và bổ ích đối với người học, giúp họ vận dụng kiến thức vào công việc trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.