(HNM) - Mới bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai được hai tháng nhưng một viễn cảnh đầy bất trắc đang mở ra đối với đương kim Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. Cuối tuần qua, gần 1 triệu người dân Brazil tại nhiều thành phố đã tham gia cuộc đại biểu tình phản đối tổng thống về tình trạng kinh tế trì trệ bước sang năm thứ năm
Những người biểu tình đã tuần hành tại 74 thành phố và thị trấn khác trên khắp đất nước, trong đó có hàng chục nghìn người tại thủ đô Brasilia và hàng nghìn người ở Rio de Janeiro và Salvador de Bahia. Người dân xứ sở của những vũ điệu Samba xuống đường nhằm kêu gọi chấm dứt tham nhũng tại quốc gia Nam Mỹ này, đồng thời thể hiện sự giận dữ trước các biện pháp giảm tỷ lệ thất nghiệp và chính sách trợ cấp lương hưu - vốn là một phần trong kế hoạch thắt chặt chi tiêu của chính phủ Tổng thống D.Rousseff. Đây là những biện pháp nhằm hạn chế thâm hụt ngân sách của Brazil và cứu đồng tiền của nước này khỏi bị trượt giá nhưng không được người dân ủng hộ.
Người dân Brazil tại nhiều thành phố lớn biểu tình phản đối chính phủ. |
Chỉ vài năm trước đây, Brazil còn được xem như một nền kinh tế có kỳ vọng tăng trưởng thần kỳ chỉ sau Trung Quốc. Vào thời điểm cách đây 5 năm, nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ tăng trưởng nhanh hơn gấp 3 lần so với Mỹ, đặc biệt là đã vượt qua quy mô kinh tế của Anh năm 2011. Hàng triệu người dân Brazil đã thoát khỏi cảnh nghèo khó, gia nhập tầng lớp trung lưu và tổng thống khi đó là Lula da Silva giành được tỷ lệ ủng hộ lên tới 83%. Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên tồi tệ quá nhanh đối với đất nước của lễ hội Carnival: Nền kinh tế Brazil bắt đầu lao dốc khi mà mọi kỳ vọng tăng trưởng đang ở mức cao nhất. Quốc gia này bị cuốn vào bê bối tham nhũng tại Tập đoàn Petrobras - vụ việc đang được dự đoán sẽ làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng chính trị tại đây. Vụ tham nhũng này bị phanh phui từ tháng 3-2014 khi các điều tra viên phát hiện vi phạm rửa tiền và hối lộ liên quan Petrobras. Nhiều chính trị gia, có một số người trong đảng Lao động của bà D.Rousseff, bị cáo buộc đã nhận hối lộ những khoản tiền khổng lồ. Vụ việc đã làm rung chuyển chính trường Brazil, khiến nhiều người dân bất bình, đồng thời làm ảnh hưởng tới uy tín của chính phủ đương nhiệm. Cảnh sát ước tính mạng lưới này đã hợp pháp hóa tổng cộng khoảng 4 tỷ USD "tiền bẩn" và là một trong những đường dây tham nhũng hối lộ lớn nhất Brazil. Đến nay, 34 nghị sĩ của lưỡng viện trong Quốc hội bị tình nghi dính líu vụ tham nhũng quy mô lớn tại Petrobras. 3 cựu giám đốc tại Petrobras cũng đã bị xét xử và 14 người đang bị giam giữ chờ kết án và có thể đối mặt mức án lên tới 20 năm tù.
Quan trọng hơn, vụ án tham nhũng của Petrobras đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Cổ phiếu của Petrobras đã giảm 59% kể từ khi bị điều tra tham nhũng hồi cuối tháng 9 năm ngoái. Ngoài ra, các dự án hạ tầng của Brazil đang đối mặt nguy cơ đình trệ vì những công ty xây dựng bị nêu tên trong cáo trạng - đều là những công ty hàng đầu của Brazil - có thể bị cấm tham gia các cuộc đấu thầu hợp đồng của chính phủ. Thậm chí năm 2015, quốc gia Nam Mỹ phải đón nhận những tín hiệu kinh tế không mấy khả quan khi Ngân hàng Trung ương Brazil dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm nay sẽ giảm 0,58%, xuống mức thấp kỷ lục trong 20 năm trở lại đây. Viện Thống kê quốc gia Brazil (IBGE) cho biết trong tháng 2-2015, lạm phát của nước này vào khoảng 7,7% - mức cao nhất trong 9 năm qua. Theo IBGE, giá cả các mặt hàng trong tháng trước đã tăng 1,22%, khiến lạm phát nước này vượt mức trần 6,5% mà Chính phủ Brazil đề ra. Trong khi các rắc rối về chính trị và kinh tế đã làm dao động niềm tin vào chính phủ và nền kinh tế, sự bùng nổ của thị trường hàng hóa làm cho giá cả của nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Brazil như dầu và đậu nành giảm giá cũng gây khó khăn đối với kinh tế của quốc gia này.
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn và thách thức kinh tế mà Brazil đang phải đối mặt, ngày 10-3 vừa qua, Tổng thống D.Rousseff đã ra tuyên bố khẳng định một cuộc khủng hoảng sẽ không đủ khiến đất nước Nam Mỹ này "bị tê liệt". Bà khẳng định các nền tảng kinh tế của Brazil vẫn vững chắc, đồng thời cam kết chính phủ sẽ "làm mọi việc" để có thể lấy lại đà phục hồi kinh tế cả nước trước cuối năm 2015, trong đó có việc công bố giai đoạn ba của Chương trình đẩy nhanh tăng trưởng (PAC) trong thời gian tới. Dẫu vậy, trong bối cảnh này, các nhà phân tích cho rằng, con đường trong một vài năm tới để đưa Brazil trở lại lộ trình tăng trưởng bền vững sẽ còn nhiều chông gai đối với nữ Tổng thống D.Rousseff.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.