Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đòi hỏi nhiều nỗ lực để ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm tốc độ tăng trưởng năm 2023

Tiến Thành| 25/05/2023 11:28

(HNMO) - Sáng 25-5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 và một số nội dung quan trọng khác.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Nhiều khó khăn trước mắt

Thảo luận tại tổ, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo phát triển kinh tế - xã hội Chính phủ trình Quốc hội trước đó, đồng thời đề cập đến 2 trong 13 chỉ tiêu chưa đạt được, cụ thể là về tốc độ tăng năng suất lao động, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP.

“Thực tế, 2 chỉ tiêu này nhiều năm qua cũng chưa đạt, giống như căn bệnh kinh niên. Trong khi đó, các giải pháp đưa ra chưa đủ rõ, chưa đủ mạnh mẽ để tạo chuyển biến”, đại biểu nói.

Đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nền kinh tế nước ta lại có độ mở lớn, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung vào các giải pháp căn cơ liên quan khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp từ trong nước.

“Đứng về lý thuyết quản trị quốc gia, khi bên ngoài khó khăn, bên trong nội lực phải được khơi thông, nhưng chúng ta chưa khơi thông được khiến kinh tế vẫn còn gặp khó”, đại biểu nêu quan điểm và dẫn chứng, trong lĩnh vực du lịch, chúng ta có rất nhiều tiềm năng. Thời điểm dịch Covid-19, Việt Nam cũng là nước mở cửa sớm do kiểm soát dịch bệnh tốt. Nhưng so với những năm trước và so với các nước khác trong khu vực, nguồn thu từ du lịch đang thấp hơn.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan của những khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng chưa được rõ ý, nhất là về các yếu tố bên trong và việc phát huy nguồn lực, tiềm lực tăng trưởng. Theo đại biểu, hiện nay, các lĩnh vực hạ tầng, giao thông, y tế đang gặp khó khăn; nhiều vấn đề liên quan đến xây dựng cơ bản cũng gặp khó khăn... Những khó khăn này liên quan đến đầu tư công, trong khi đó, đầu tư công lại không dùng hết kinh phí được phân bổ.

Đại biểu dẫn chứng, năm 2022 còn dư gần 20% vốn đầu tư công với gần 135.000 tỷ đồng không sử dụng đến. “Nếu tất cả số tiền này được sử dụng thì không chỉ tạo thêm thu nhập những người trực tiếp sản xuất hàng hóa, mà còn kích thích vận tải, nông nghiệp, thương mại phát triển”, đại biểu nói và cho rằng, đây là sự lãng phí thời cơ và sự lãng phí này đã kéo dài, cần được khắc phục.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) thảo luận.

Cần giải pháp cấp bách và lâu dài

Các đại biểu cho rằng, năm 2023, để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, bảo đảm tốc độ tăng trưởng, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, phải có sự tập trung, có giải pháp cả cấp bách và lâu dài.

Đồng tình với các giải pháp đã được đề cập tại báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) đề nghị Chính phủ tập trung thêm một số nhóm giải pháp.

Cụ thể, về đầu tư công, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải ngân đầu tư công; tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp để điều chuyển cho các dự án quan trọng, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư từ ngân sách trung ương và các dự án khẩn cấp; xử lý nhanh, dứt điểm vấn đề giải phóng mặt bằng; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục đầu tư; hình thành cơ chế giám sát thực hiện giải ngân vốn đầu tư công để gia tăng giải ngân nhanh nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, tránh lãng phí...

Về hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu, đại biểu đề nghị theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp. Cùng với đó cần rà soát, tháo gỡ ngay các rào cản liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm các thị trường, đối tác mới, bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, kho bãi... nhằm tiết giảm dịch vụ logistics, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) thảo luận.

Theo đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội), mọi khó khăn đang dần lộ diện, nhất là từ hoạt động của doanh nghiệp. Trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, đại biểu cho rằng, động lực tăng trưởng phải từ trong nước, đi cùng chi tiêu ngân sách, đầu tư công. Tuy nhiên hiện nay, tỷ trọng, tỷ lệ chi tiêu ngân sách, đầu tư công chỉ khoảng 16% là chưa đạt. Tháo gỡ vướng mắc nói trên phải xuất phát từ cơ chế. Nếu không tháo gỡ và tháo gỡ tận cùng, sẽ rất khó cho phát triển trong giai đoạn hiện tại và cả sau này.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 6,5%, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) kiến nghị Chính phủ quan tâm kiểm soát chặt giá cả thị trường, có chính sách điều tiết hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và tài khóa...; có cơ chế kiểm soát tốt thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản.

Cần xử lý những “điểm nghẽn” đối với nền kinh tế, như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là một số dự án trọng điểm, các công trình quan trọng quốc gia; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021-2025. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tăng khả năng tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh và giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đánh giá cao các giải pháp Chính phủ ban hành từ đầu năm nay, nhất là các nghị quyết liên quan đến lãi suất ngân hàng, bất động sản. Theo đại biểu, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% là điều rất cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp phục hồi, phát triển, tuy nhiên, chính sách này nên có độ mở về thời gian, có thể kéo dài hơn, tùy theo tình hình mà Chính phủ đề xuất, tránh ngắt quãng, ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đòi hỏi nhiều nỗ lực để ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm tốc độ tăng trưởng năm 2023

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.