(HNM) - Sử Việt ghi rõ, dưới thời Lý Nhân Tông (1072-1127), năm Ất Mão - 1075, vua mở khoa thi tam trường, còn gọi là Minh kinh bác học, để chọn người tài ra làm quan. Đó là đại khoa đầu tiên ở nước ta, Trạng nguyên đầu tiên là thủ khoa Lê Văn Thịnh. Năm Bính Thìn - 1076, vua cho lập Quốc Tử Giám, trường đại học Việt đầu tiên, chọn những người tài giỏi vào dạy.
Đến thời Trần Thái Tông (1434-1442), năm Nhâm Tuất - 1442, bắt đầu ra lệnh dựng bia tiến sĩ và sang thời Lê Thánh Tông (1460-1497) bia tiến sĩ bắt đầu được dựng, cùng với việc mở rộng Quốc Tử Giám. Lê Thánh Tông cũng chính là người giải án oan Lệ Chi Viên đẫm máu và nước mắt của Nguyễn Trãi và cho sưu tầm được hơn 100 bài thơ của cụ Nguyễn.
Trọng nhân tài như thế, nên thời của Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông đều là thời thịnh.
Ngoài con đường thi cử, các vua Việt xưa còn mở ra cơ hội cho nhân tài bằng con đường tiến cử. Tiến cử nhân tài cho nhà nước phong kiến được coi là quyền lợi và trách nhiệm của các quan lại xưa. Nếu tiến cử đúng thì được ban thưởng. Nếu tiến cử sai, khi người được tiến cử mang tội, thì người tiến cử cũng phải chịu tội theo. Rất nhiều văn thần võ tướng được phát hiện, được dùng và lưu danh, qua thi cử, tiến cử và cũng khối kẻ tiến cử sai, đã phải khóc ròng.
Thời thịnh là thế và thế thì mới thịnh.
Sau này chúa Trịnh Cương (1709-1729) cũng làm rất gắt chuyện thi cử và tiến cử. Năm Bính Ngọ - 1726, đại thần Nguyễn Công Cơ tâu lên chúa rằng, thi cử đợt ấy có nhiều việc không minh, phần lớn con em nhà quyền thế đỗ Hương cống không có thực tài. Trịnh Cương hạ lệnh cho thi lại, đánh hỏng 28 người, trong đó có cả con Tham tụng (đại thần) Lê Anh Tuấn, con nuôi Huân quận công (đại thần) Đặng Đình Giám, con nuôi Nội giám (đại thần) Đỗ Bá Phẩm... Bọn này được giao xuống cho pháp đình xét hỏi và trị tội nặng. Nguyễn Công Cơ, vì dám nói thẳng, được thăng Thiếu bảo. Việc này rất nên được học tập khi tiến hành các đợt “khảo thí” và “phúc khảo”, thậm chí là phải “truy khảo”, ở ta bây giờ.
Trước đó, năm Giáp Thìn - 1724, chúa còn cho phép dân chúng yết bảng để “góp ý” với quan lại địa phương, chỉ yêu cầu phải “công bằng”, “không khen, chê bậy bạ”.
Con thứ ba của Trịnh Cương là chúa Trịnh Doanh (1740-1767), cũng cho đặt ống đồng ở cửa phủ để nhận thư từ cáo giác của dân chúng về những việc làm sai trái của quan lại; định lệ các quan từ tam phẩm đến nhất phẩm, mỗi ngày 2 người, vào phủ để chúa hỏi về chính sự. Mỗi khi tuyển chọn và cất nhắc quan lại, Trịnh Doanh đều theo nguyên tắc thực tài. Chúa quy định rằng, bất cứ ai, trước khi được bộ Lại bổ dụng, cất nhắc, phải được dẫn vào phủ đường yết kiến chúa, để chúa trực tiếp sát hạch, ai thực có khả năng mới được trao cho quyền chức.
Sau này nữa, vua Minh Mệnh (1820-1840) nhà Nguyễn, cũng luôn ra coi chầu rất sớm, xem xét tấu sớ, tự tay “châu phê” rồi mới cho thi hành. Quan lại ở các thành, dinh, trấn... ai được bổ nhiệm đều cho đến kinh bệ kiến để vua hỏi han công việc, kiểm tra năng lực và khuyên bảo.
Sử sách chép rằng, năm Nhâm Ngọ - 1822, Lê Văn Liêm được Thự tiền quân Trần Văn Năng tiến cử làm Tri phủ Ninh Giang, bộ Lại đưa Liêm vào bệ kiến, vua xét hỏi, Liêm đáp là mình ít học. Minh Mệnh bảo: “Tri phủ giữ chính lệnh trong một phủ, không học thì không rõ luật lệ, nhỡ khi xử đoán sai thì pháp luật khó dung, như thế là làm hại chứ không phải là yêu”. Thế là Liêm không được bổ nhiệm.
Nhà vua công bố thuật dùng người: “Nay dùng người, không ngoài hai con đường là khoa mục và tiến cử. Người giỏi khoa mục không chắc đã giỏi chính sự. Nhưng cũng chưa có ai học nuôi con rồi sau mới lấy chồng. Chính sự cốt ở yên dân. Muốn yên dân thì đừng phiền dân. Làm quan phủ huyện, không tham, không nhũng nhiễu dân, thì chính sự có khó gì đâu!”. Nhà vua, học Lê Thánh Tông, đặt quỹ “Dưỡng liêm” (Nuôi sự liêm chính) để thưởng cho các tri phủ, đồng tri phủ, tri huyện, tri châu liêm chính, nhưng cũng luôn nghiêm trị bọn tham nhũng. Đã có kẻ lại, không dùng thước gạt thăng khi đong thóc thuế, chỉ dùng tay để dễ bề gạt gian, vua đã lệnh chặt ngay tay tên lại đó.
Thế là, qua thi cử và tiến cử, nhiều triều đại phong kiến nước ta tỏ ra rất trọng nhân tài, cố tìm nhân tài để bổ dụng, cất nhắc. Nhưng các triều đại phong kiến cũng rất nghiêm cẩn trong phép dùng người, để sao cho nước được lợi, để nhân tài không bị bỏ phí, mà cũng là để cho nhân tài không bị thui chột, tha hóa bởi những thói tật của người đời, nhất là những thói tật ở chốn quan trường. Chốn quan trường, như đã biết, thời suy thì thậm nhiều thói tật đã đành, mà ngay ở thời thịnh, những thói tật ấy cũng lắm khi gây ra nhiều việc kinh hoàng. Sử ghi rõ, thời Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông là thời thịnh, mà dưới tay đám quyền thần Lê Sát, Lê Ngân, Lê Quốc Khí, Trịnh Hoành Bá, Lê Đức Dư..., những trung thần như Bùi Ư Đài, Bùi Cầm Hồ vẫn bị cách chức một dạo; và điển hình đau đớn nhất, là việc Nguyễn Trãi bị “Tru di tam tộc” sau vụ Lệ Chi Viên, đấy thôi? Vì lẽ đó mà Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông các đời trước và Trịnh Cương, Trịnh Doanh, Minh Mệnh sau này, mới trọng nhân tài và nghiêm cẩn trong việc dùng người và chính sự đến thế.
Tóm lại, trọng nhân tài, dùng nhân tài, có chính sách để nhân tài không bị chèn ép, có luật lệ để quan lại không bị tha hóa - tham nhũng, thì như vua Minh Mệnh đã nói, “chính sự có khó gì đâu”. Chặt tay kẻ đong điêu thóc thuế, Minh Mệnh giống với Trần Thủ Độ đầu đời Trần, khi có kẻ nhờ Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung (vợ Trần Thủ Độ), xin hộ chức Câu đương (một chức quan bé tí tẹo ở xã), Thủ Độ vì không muốn đôi co với vợ, đã giả bộ đồng ý, lại còn ghi rõ tên họ, quê quán kẻ ấy. Đến lúc gặp kẻ kia, ông bảo: “Ngươi vì có quốc mẫu xin cho được làm Câu đương, không thể ví như những Câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt”. Đương sự kêu van xin thôi, mãi ông mới tha cho. Từ đó, không ai dám nhờ cậy việc riêng nữa. Trần Thủ Độ và Minh Mệnh rõ là những nhà cầm quyền gương mẫu trong việc chống tham nhũng, luồn lọt, nhằm đẩy lùi nạn tham nhũng, đẩy lùi thói tật quan trường, để nhân tài không bị lẫn vào với bọn đê tiện và bị bọn ấy làm hại hoặc nhuộm đen, để cho dân yên, để cho “chính sự nào có khó gì”.
Đấy là nói chuyện xa ở trời đông. Vậy ở trời tây thì thế nào? Đọc báo gần, thấy viết về Donbass, một thời là địa chỉ vĩ đại của nền công nghiệp than Xô Viết, giờ là của Ukraina, về mỏ than Petrovskaya ở đó: Mỏ than trong tay nhà nước ấy đang hoạt động một cách thoi thóp vì thiếu vốn và đang chờ được tư hữu hóa. Hàng chục giếng than lớn ở vùng Donbass bị đóng cửa vì không có vốn. Phần còn lại đã bị tư hữu hóa và chủ yếu nằm trong tay của Rinat Akhmetov, người giàu nhất nước (16 tỉ USD tài sản). Chính những người như Akhmetov giờ đang kiểm soát gần 80% những khu mỏ nơi này... Từ sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, nơi đây trở thành chiến trường của những kẻ giang hồ, những băng mafia và là sân khấu cho ra đời những kẻ đầu cơ như Akhmetov... Petrovskaya cần 1 triệu USD để mua trang thiết bị mới. Nhưng để Petrovskaya nhận được 1 triệu USD ấy, nhà đầu tư phải bỏ ra thêm 2 - 3 triệu USD nữa để bôi trơn cho các quan chức tham nhũng và một mạng lưới “bảo kê” khác. Còn nữa, khi “tỷ phú Akhmetov, người giàu lên một cách đáng ngờ trong những năm sau khi Liên Xô tan rã và giờ là người giàu nhất Ukraina với tài sản trị giá 16 tỷ USD... Khi Akhmetov có thể bỏ ra 400 triệu USD để xây sân Donbass Arena, nhưng không bỏ ra một xu cho việc nhân đạo, ngay ở thành phố quê hương... Trong khi đó, 9/14 triệu người nghỉ hưu của Ukraina có mức thu nhập trung bình 120 USD/tháng, 1/3 dân số nước này sống dưới mức đói nghèo (theo tiêu chuẩn châu Âu?). Điều gì đã xảy ra ở một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về thép, quặng (đặc biệt là than)? Oleksandr Paskhaver - Chủ tịch Trung tâm Phát triển kinh tế Ukraina - đã nói ngắn gọn trong một bài trả lời phỏng vấn trên tờ Kiyv Post (Bưu điện Ki-ép) đầu năm nay: “Tham nhũng đã làm cho chúng ta nghèo đi”.
ở Nga, nhà văn nổi tiếng Valentin Rasputin viết: Đến một lúc nào đó, các sử gia sẽ cố lý giải một hiện tượng kỳ lạ: Làm thế nào mà những tên ăn cắp vặt lại dễ dàng móc ngoặc được với thế giới, và biến dân Nga thành nạn nhân của những thủ đoạn chính trị?
Hóa ra, những thói tật quan trường, đặc biệt khốn nạn nhất là nạn tham nhũng, tức là nạn ăn cắp, câu kết nhau để ăn cắp, để dồn dân chúng vào chốn lầm than, thì dù ở trời đông hay trời tây, đều cũng không để dân yên, ở đâu cũng làm phân hóa xã hội sâu sắc, tạo ra mọi sự hận thù và hoặc ít nhất là bất an. Đã từ bất an trở lên, làm sao có hạnh phúc?
Đảng ta vừa ra Nghị quyết Trung ương 4 để làm trong sạch Đảng. Làm trong sạch Đảng, trước hết là làm trong sạch bộ máy chính quyền mà Đảng ta lãnh đạo. Cha ông ta đã để lại bao gương. Các nước khác cũng là gương vậy. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết để những kẻ tham nhũng, cơ hội không làm Đảng ta yếu đi, không “làm chúng ta nghèo đi” - nghèo về vật chất, nghèo về tinh thần.
Hà Nội, 6-2012
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.