Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp, chủ động tuyên truyền sâu rộng, chính xác, kịp thời những vấn đề tôn giáo, dân tộc, chủ quyền lãnh thổ… nhằm góp phần đấu tranh hiệu quả với những luận điệu chống phá của thế lực thù địch. Trong đó, cần đa dạng hình thức tuyên truyền, lựa chọn phương thức phù hợp với từng nhóm đối tượng để đạt hiệu quả cao; bày tỏ thái độ, chính kiến và khẳng định chủ quyền lãnh thổ; giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, những thành tựu đổi mới. Việc tăng cường đối thoại song hành cùng đấu tranh quan điểm hướng về đồng chí, đồng bào, chống lại những âm mưu chia rẽ nội bộ.
Những năm qua, việc xây dựng đường biên giới Việt - Trung hòa bình, hữu nghị đã tạo điều kiện phát triển kinh tế, củng cố an ninh - quốc phòng, giao lưu văn hóa - xã hội, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và nước láng giềng. Quan hệ biên giới Việt - Lào tiếp tục phát triển thuận lợi với kế hoạch tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện mọi mặt. Riêng tiến độ phân giới, cắm mốc giữa Việt Nam - Campuchia vẫn còn khá chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra.
Năm 2010, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia đã đạt trên 7,1 tỷ USD. Đánh giá cao tiềm năng, cơ hội phát triển biên mậu, chính phủ các bên đã từng bước thực hiện nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi giúp cải thiện, nâng cao đời sống cư dân vùng biên, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, thắt chặt tình hữu nghị, xây dựng và bảo vệ an ninh biên giới chung. Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thu hút doanh nghiệp hai bên tham gia, Chính phủ Việt Nam đã nghiên cứu lập quy hoạch phát triển hệ thống các cửa khẩu, lối mở, khu kinh tế cửa khẩu và mạng lưới chợ đường biên, hạ tầng thương mại… nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.