Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dọc đường (tiếp theo)

Phạm Quang Long| 11/05/2012 05:44

(HNM) - Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng, trong bức thư nửa Nôm nửa Hán của Nguyễn Huệ gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp năm 1788 “có nét chữ rắn rỏi chân phương nhưng chưa được luyện lắm, có chữ còn viết nhầm” thể hiện ông chưa được học nhiều như những nho sĩ khác nhưng cái lớn vượt bậc của ông khiến những danh nho, đại bút đương thời như La Sơn Phu Tử, Ngô Thì Nhậm, Bùi Dương Lịch, Đoàn Nguyễn Tuấn... phải nể trọng chính là sức nghĩ, tâm huyết của ông cho nước, cho dân.

Ngọc Hân công chúa trong Ai tư vãn đã trải lòng mình trong những lời khóc chồng - đấng quân vương - người tri kỷ - bậc anh hùng bằng những câu thơ xé ruột và cả khát vọng được thay đổi quy luật của tự nhiên: Công nhường ấy mà nhân nhường ấy, cõi thọ sao hẹp bấy hóa công? Rộng cho được chuộc tuổi rồng, đổi thân ắt hẳn bõ lòng tôi ngươi. Ai cũng biết mối quan hệ này xuất phát từ một mưu đồ không gắn gì với chuyện yêu đương, chồng vợ mà từ một mưu đồ chính trị của những người vừa muốn dựa vào nhau, vừa muốn lợi dụng nhau. Cái mùi tanh tưởi của những tính toán ấy đã bị một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm nhưng cũng rất sâu sắc của Ngọc Hân xé toạc ra trong những lời vừa đau đớn, vừa chua xót: Cả Bắc Hà bao nhiêu danh sĩ mà không ai nghĩ ra được một kế sách giữ nước nào hay hơn ư mà lại đem tấm thân của một người con gái yếu đuối này để đánh đổi? Câu hỏi hay lời trách cứ ấy không ai trả lời được, kể cả vua cha Lê Hiển Tông, người có tướng đế vương nhất nhà Lê “mặt rồng, mũi rồng, râu rồng”, ngồi trên ngai vàng “suốt bốn mươi năm chỉ biết khoanh tay rủ áo” như lời những người chép sử.

Một góc thành phố Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk). Ảnh: Lê Hoàn

Thế rồi, bằng tài đức và chí nhân của mình, Nguyễn Huệ đã chinh phục Ngọc Hân và nàng công chúa nhà Lê cũng khiến người anh hùng phải thay đổi. “Yêu vì nết, trọng vì tài”, cả hai đã trở thành chỗ dựa cho nhau, nâng nhau lên trong nghiệp lớn. Chính Ngọc Hân đã giữ vai trò quan trọng để Bắc Bình vương Nguyễn Huệ tìm đến với các cựu thần nhà Lê đang lưỡng lự trước nhiều lựa chọn, nhất tâm đứng về phía ông để giúp đời, trong đó có những danh sĩ như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Bùi Dương Lịch, Đoàn Nguyễn Tuấn... Và khó ai có thể quên hình ảnh giữa những ngày chiến thắng đầu Xuân Kỷ Dậu, Nguyễn Huệ đã dùng thanh gươm trận của mình cắt một cành đào ngay điện Kính Thiên gửi về Phú Xuân cho Ngọc Hân, thay lời báo tiệp. Thấu hiểu nỗi lòng của người con đất Bắc, Tết đến, nhìn hoa mai lại thương nhớ hoa đào, đó chỉ là chuyện đời thường của con người, còn cái nhân của bậc minh quân lại là ở những quyết sách lớn. Trong Chiếu khuyến nông, được ông ban hành ngay sau khi nước nhà hết giặc, có viết: Chính trị của bậc vương giả là phải biết vun gốc, chú trọng vào việc nông, nhờ đó trong nước không có kẻ chơi không, ngoài đồng không có đất bỏ hoang. Trong Chiếu khuyến học lại ghi Dựng nước lấy việc học làm đầu. Cầu trị lấy nhân tài làm gốc. Tư tưởng ấy thôi thúc kế hoạch chấn hưng đất nước và sử dụng hiền tài như những khâu đột phá theo cách nói của chúng ta ngày nay. Dùng chữ Nôm, đúc thần công, đóng chiến thuyền, khai khẩn đất hoang, củng cố quốc phòng, mở rộng thông thương với các nước... biết bao việc lớn chưa thành thì người anh hùng đã về trời, để lại một sự nghiệp lừng lẫy nhưng cũng nghiệt ngã thay, tựa ánh chớp lướt ngang bầu trời, để lại bao nuối tiếc và hẫng hụt cho cả một dân tộc. Lịch sử đổi thay sau khi ông đột ngột băng hà. Nửa đường đứt gánh không phải chỉ vận vào cuộc đời của một cá nhân mà với ông, dường như nó gắn với vận mệnh một đất nước, một dân tộc. Đền thờ ông được nhân dân xây dựng, thờ cúng, bảo vệ, bất chấp sự trả thù tàn độc của triều sau. Thế mới biết, khi đã xây dựng được tượng đài trong lòng nhân dân, được nhân dân thương yêu, bảo vệ thì không sức mạnh nào có thể tàn phá nổi. Ông đã dựng cho mình một tượng đài bất tử không phải chỉ trong lòng văn thần, võ tướng của mình, thần dân của mình mà trong lòng dân tộc, không chỉ một đời mà mãi mãi.

II. Tiềm lực đang cần đánh thức

Không hiểu sao suốt chuyến công tác, kể cả từ khi còn ở Bình Định cho đến lúc rời Đăk Nông, lần đầu tiên trong đời được thấy cơn mưa rừng Tây Nguyên bất ngờ, ồ ạt cả lúc đến lẫn khi rời thì những vần thơ của Nguyễn Duy về đánh thức tiềm lực cứ trở đi trở lại, thành ám ảnh.

Nguyễn Duy viết bài thơ Đánh thức tiềm lực như là một bài chính luận dài bằng thơ, luận về chuyện tiềm lực chúng ta lớn, tại sao ta vẫn cứ nghèo? Lại nhớ, khoảng 1975-1976 gì đó, trong một lần học quân sự, báo cáo viên hùng hồn: các đồng chí có biết không, ông cha chúng ta nói rừng vàng, biển bạc. Nghĩa là trên rừng có mỏ vàng, dưới bể có mỏ bạc. Bây giờ chúng ta lại phát hiện ra cả mỏ dầu nữa. Mà nghe nói là lớn lắm. Dầu ở Trung Đông đã nhiều nhưng dầu ở ta còn nhiều hơn nhiều. Nếu ví dầu ở ta là con voi thì dầu ở Trung Đông chỉ bằng con tem dán lên mông con voi thôi. Chúng ta sẽ cất cánh vì dầu. Báo cáo viên đắc chí cười vì đã tìm ra câu ví von ý nhị, còn chúng tôi cũng cười nghiêng ngả. Cái khát vọng cất cánh sau những năm tháng dài dằng dặc của chiến tranh, cái viễn cảnh “dầu hỏa sẽ cứu chúng ta” dường như được thăng hoa thêm bởi tâm thế xã hội lúc bấy giờ. Hầu như phần lớn xã hội đều đã tin vì mong như thế và câu chuyện “cất cánh” cũng sẽ đến trong ngày một ngày hai. Nhận thức và tuyên truyền về tiềm lực của chúng ta đã từng ngây thơ như thế và cũng giản đơn mà đáng yêu như thế đấy. Tôi nhớ mãi một câu thơ của một nhà thơ nổi tiếng viết sau giai đoạn này độ một thập niên, khi mà những ảo mộng cất cánh đã vỡ như bong bóng xà phòng, đọc nghe cứ gai gai người nhưng sao đúng thế: Thôi đừng hát những lời chim chóc mãi và lại thấy tự thương cho những ngờ nghệch của mình trong buổi nhận đường. Cái nông cạn trong những lời giải thích về tiềm lực tự nhiên, tiềm lực con người bây giờ cần phải được cân đong, đo đếm lại với một cách nhìn mới, thiết thực và đúng đắn hơn. Làm việc với lãnh đạo các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đăk Lăk, Đăk Nông, đồng chí Phạm Quang Nghị đều nhấn mạnh nguồn tiềm lực của các tỉnh: cả một vùng đất, vùng biển, vùng trời và không gian văn hóa nơi đây đều là những tiềm năng lớn mà nếu biết cách khai thác, các địa phương đều có thể làm giàu từ chính tiềm lực của mình. Lâu nay người ta hay nói đến tiềm lực đất đai như là những quả tạ làm thay đổi cán cân lực lượng nhưng cũng cảnh báo rằng, nếu lợi dụng sức mạnh ấy hoặc khai thác không tốt, những lợi thế ban đầu sẽ biến thành yếu huyệt sẽ có thể làm cho đời sống kinh tế địa phương rơi vào tình trạng suy kiệt tài nguyên, mất cân đối nghiêm trọng, kéo theo những hệ lụy khôn lường về mặt xã hội. Đồng chí nói nhiều đến cả mặt thành công lẫn thất bại của bài học “đổi đất lấy hạ tầng” ở nhiều địa phương, đến việc phát triển nóng của một số ngành, đến việc quy hoạch và mở mang công nghiệp, xây dựng đô thị, đến những tầm nhìn cho cả hôm nay và mai sau. Thăm cảng Quy Nhơn lớn nhất khu vực miền Trung Trung bộ (lượng bốc dỡ hàng hóa khoảng 6 triệu tấn/năm), đồng chí hỏi rất kỹ về khả năng khai thác hàng hóa trong giai đoạn hiện nay và dự báo cho vài chục năm tới, đề nghị lãnh đạo tỉnh và cảng có đề án đề nghị Chính phủ cho mở rộng khu vực kho bãi, âu tàu, các khu vực dịch vụ và đặc biệt là phải cân nhắc thật kỹ những tác động môi trường lẫn hiệu quả kinh tế đem lại, tránh xu hướng “tỉnh nào cũng làm sân bay, tỉnh nào cũng xây cảng biển” mà không tính toán đến quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng và mối liên kết giữa các vùng, ngành lẫn nhu cầu thiết thực của địa phương. Chúng tôi đi thăm Khu công nghiệp mới Nhơn Hòa bên kia cầu Thị Nại, nằm ngay bên bờ biển, cách cảng Quy Nhơn chỉ độ vài cây số, hạ tầng cơ sở đã chuẩn bị xong, đang chờ các nhà đầu tư đến. Chúng tôi cố hình dung ra một gương mặt đô thị mới với những đường nét đang hình thành. Theo đồng chí Đào Tấn Lộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên thì lợi thế của Phú Yên nhiều lắm: Vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, đầm Thị Nại, nhà máy hóa dầu đã được phê duyệt xây dựng, giao thông có cả đường không, sắt, bộ, thủy. Anh nói vui: Nếu các anh các chị đến huyện Sông Hinh sẽ thấy trên là dừa, dưới là tôm hùm, giá rẻ bất ngờ; hải sản đầm Ô Loan và Thị Nại ngon nhất nhì cả nước. Nghề đánh bắt cá ngừ đại dương được khởi nguồn từ chính nơi đây và cá ngừ Phú Yên hiện đang có mặt ở những nhà hàng danh tiếng nhất ở các đô thị lớn, thậm chí còn bị “mạo danh” là nhập khẩu từ nước ngoài. Tôi không thể hình dung giá cả ở Phú Yên lại có thể rẻ đến thế: khách sạn 4, 5 sao cũng chỉ tương đương 50 dolla/phòng, khách sạn 2, 3 sao giá chỉ xấp xỉ 20 dolla, còn đồ ăn thì rất rẻ. Có những gia đình thuê cả căn hộ ven bờ biển để nghỉ hè cả tháng, tiền nhà chỉ hết độ 4, 5 triệu đồng. Phú Yên nằm ở vào một vị thế hơi lỡ dở về đường đi nên lãnh đạo tỉnh đã chọn con đường ăn lãi ít nhất để tạo thương hiệu và nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Có thể nói ở mấy tỉnh này, thảm đỏ đã trải sẵn chờ các nhà đầu tư với những ưu đãi về đất đai, chính sách. Khẩu hiệu “Đi lên từ tiềm lực và từ chính sách” được coi như là khâu đột phá để khát vọng phát triển trở thành hiện thực trong một tương lai gần. Tôi đọc thấy điều này trong tất cả các buổi làm việc ở các địa phương mình đã qua.

(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dọc đường (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.