Theo dõi Báo Hànộimới trên

Độc đáo hội xuân

Hoàng Sơn| 02/02/2014 09:29

(HNM) - Đầu xuân, hãy cùng khám phá những lễ hội và hội xuân độc đáo, giàu bản sắc văn hóa, đậm tinh thần thượng võ.



Đầu xuân, hãy cùng khám phá những lễ hội và hội xuân độc đáo, giàu bản sắc văn hóa, đậm tinh thần thượng võ đó.

Đua ngựa vùng Tây Bắc

Đua ngựa là môn chơi không thể thiếu trong những ngày đầu xuân ở vùng Tây Bắc như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang... Những chàng kỵ sĩ tỏ rõ sự oai phong, tự tin trên những chú tuấn mã phi nước kiệu, khiến người xem háo hức, choáng ngợp trong không khí tưng bừng và như say trong men rượu, men tình. Người thắng và người thua đều mừng nhau trong chén rượu nồng ấm áp giữa ngày xuân ở miền sơn cước.

Sau đó họ cùng tham gia vào những trò chơi dân gian như múa khèn, bắn đá, đánh tù lu, giã bánh dày, thi kéo co, chơi cù, đẩy gậy...

Hội đua ngựa đầu xuân - một lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Lai Châu sẽ được tái hiện trong Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” (diễn ra vào giữa tháng Giêng năm Giáp Ngọ - 2014) tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đây sẽ là dịp để quảng bá tới nhân dân và khách du lịch về một lễ hội đặc sắc và hấp dẫn hơn những trường đua chuyên nghiệp.

Chơi đu của người Mường

Người Mường ở vùng Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La... vẫn giữ được nhiều tập quán truyền thống, trong đó có tục chơi đu ngày xuân. Cây đu (cột đu) được dựng vào dịp Tết Nguyên đán. Chiều 30 Tết, khi đã làm xong cỗ, là hội đu bắt đầu; hội kéo dài đến rằm tháng Giêng, thậm chí hết tháng Giêng. Trước khi chơi đu, một cụ già uy tín nhất trong bản làm lễ cúng đu - để trình báo với tổ tiên, trời đất rằng mùa xuân đã đến, cầu mong dân làng được mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa để làm ăn, mọi người yêu quý nhau hơn, vui xuân an toàn, vui vẻ.

Người chơi đu phải là trai chưa vợ, gái chưa chồng. Gái có chồng mà hò đu với con trai hoặc ngược lại, là không được. Người đầu tiên chơi đu nhất thiết phải hò được câu khai hội: Chúc cho trong khắp mọi Mường/ Già thời tráng lão trẻ thời thêm xuân... Người tham gia đu phải nhớ được nhiều câu hò; không nhớ được nhiều thì không theo được cuộc vui. Người có giọng hò hay và thuộc nhiều câu hò chứng tỏ hiểu biết rộng, ứng đáp linh hoạt, bộc lộ được nội tâm tình cảm và cái tài, cái giỏi của con trai con gái bản Mường. Nếu thực sự cảm mến nhau, họ có thể xin phép xuống đu, lấy lý do đưa nhau về nhà, khéo léo nhường chỗ trên đu cho người khác. Đó là cách ứng xử rất văn hóa và thanh lịch.

Cách đối đáp qua câu hò, nhờ thế đã bảo tồn được loại hình văn hóa dân gian truyền miệng. Và cũng nhờ hội đu mà khối đôi trai gái nên vợ nên chồng. Hội đu xuân của người Mường là hình thức sinh hoạt văn hóa giao duyên, là điều kiện để giao lưu, mở rộng mối quan hệ giao tiếp cộng đồng.


Lễ rước “ông” lợn ở La Phù

Lễ hội lớn nhất trong năm của làng La Phù (Hà Nội) là hội rước lợn độc đáo. Hội bắt đầu từ ngày 7 đến ngày 14 tháng Giêng hằng năm, để tưởng nhớ Thành hoàng làng nguyên là một bộ tướng dưới thời Vua Hùng có công dẹp giặc ngoại xâm. Vào ngày hội, các thôn xóm trong làng đều sửa lễ để ra đình cúng tế và như vậy, có đến hàng chục “ông” lợn lần lượt được rước ra đình, đi theo là các đội múa rồng, múa sư tử, đội nhạc lễ tháp tùng. Lễ vật của mỗi xóm là một “ông” lợn được mổ và để nguyên con, trang trí đẹp mắt, được đưa vào đình cúng tế và dự thi. “Ông” nào to nhất và đẹp nhất sẽ giành giải nhất.

Để có được một lễ to và đẹp, “ông” lợn phải được chọn nuôi từ đầu năm, được chăm sóc chu đáo, sạch sẽ. Đội hình tham gia rước kiệu “ông” lợn cũng phải là những chàng trai khỏe mạnh, chưa lập gia đình. Lễ rước “ông” lợn diễn ra trong dịp đầu xuân năm mới, tạo không khí tưng bừng, hứng khởi để người dân bước vào một năm làm ăn tấn tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo hội xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.