Theo Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý 1/2013, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 2,65 tỷ USD (tính chung cả vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm).
Cụ thể, trong quý này, có 22 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đầu tư là 720,7 triệu USD. Quy mô vốn đầu tư đăng ký trung bình cho một dự án đạt trên 32,7 triệu USD.
Cũng trong quý 1/2013, có năm lượt dự án tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt 1,9 tỷ USD, trong đó có dự án Công ty Liên doanh Rusvietpetro của Tập đoàn dầu khí Việt Nam tại Liên bang Nga tăng vốn đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD và dự án thăm dò muối mỏ tại Lào của Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam tăng vốn 518,9 triệu USD.
Khu khai thác dầu của mỏ Tây Khosedaiu, Nga của Công ty Liên doanh Rusvietpetro. (Nguồn: zarubezhneft.ru) |
Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư chủ yếu trong lĩnh vực khai khoáng, chiếm 72,3% vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống với ba dự án, tổng vốn đầu tư 335 triệu USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư.
Lĩnh vực thông tin và truyền thông đứng thứ ba với 237,7 triệu USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư.
Các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký đầu tư sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trong quý này. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất tại Liên bang Nga với 1,4 tỷ USD, chiếm 52,7%; tiếp theo là các quốc gia Lào (20,1%) và Mianma (11,3%).
Cũng theo Cục Đầu tư Nước ngoài, đến 20/3/2013, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 742 dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 15,5 tỷ USD.
Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang 59 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Lào đứng vị trí thứ nhất với có 227 dự án, tổng vốn đầu tư trên 4,2 tỷ USD (chiếm 30,6% số dự án và 27,1% vốn đầu tư); Campuchia đứng vị trí thứ hai với 129 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,7 tỷ USD (chiếm 17,4% số dự án và 17,6% vốn đầu tư).
Tiếp theo là Liên bang Nga (chiếm 15,2% vốn đầu tư), Venezuela (11,8% vốn đầu tư) và các quốc gia khác.
Về vốn thực hiện, lũy kế đến nay ước đạt khoảng 3,8 tỷ USD, trong đó khoảng 2,9 tỷ USD trong lĩnh vực dầu khí; gần 500 triệu USD trong lĩnh vực trồng cây cao su; 400 triệu USD trong lĩnh vực thủy điện; 249 triệu USD trong lĩnh vực viễn thông…/.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.