Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp và tiêu dùng yêu nước

Thủy Tiên| 15/06/2014 04:11

(HNM) - Theo số liệu mới nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", kể từ khi cuộc vận động được triển khai năm 2009 đến nay, hàng Việt Nam đã đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường và dần chiếm ưu thế trong lòng người Việt.



Một khảo sát cho thấy 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Tại nhiều siêu thị, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn dần theo từng năm. Tuy nhiên hàng hóa nước ngoài trên thị trường vẫn lấn át hàng nội và người tiêu dùng vẫn chưa từ bỏ thói quen thích dùng hàng ngoại…

Thống kê mới nhất của Bộ Công thương cho thấy, hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Thái Lan tăng mạnh, đứng thứ hai trên thị trường sau hàng Trung Quốc. Những mặt hàng này không chỉ có trong các siêu thị lớn nhỏ mà còn được bày bán tại gần 9.000 chợ trên khắp cả nước. Thậm chí hàng điện tử, điện lạnh Thái Lan chiếm tới 70% thị phần. Không chỉ hàng gia dụng, các sản phẩm nông nghiệp như trái cây có xuất xứ Thái Lan cũng chiếm khoảng 40% thị phần, dù giá luôn cao hơn trái cây cùng loại trong nước (từ 30% đến 50%). Quần áo may sẵn, đồ gia dụng do Thái Lan sản xuất cũng chiếm ưu thế. Thời gian gần đây xu hướng chuyển từ sử dụng hàng hóa Trung Quốc sang hàng hóa Thái Lan khá rõ. Song như vậy chỉ là thay vì sử dụng hàng hóa của quốc gia này bằng hàng hóa của quốc gia kia. Trong một thế giới phẳng, không một quốc gia nào có thể làm ra tất cả các loại hàng hóa, do vậy việc nhập khẩu là không tránh khỏi. Nhưng, việc chúng ta nhập cả những sản phẩm trong nước sản xuất được là điều đáng suy nghĩ.

Trước hết nói về doanh nghiệp trong nước, do chậm đổi mới công nghệ và kỹ thuật nên nhiều sản phẩm 100% "Made in Việt Nam" khó cạnh tranh với hàng hóa của các công ty liên doanh hay 100% vốn nước ngoài sản xuất tại Việt Nam cũng như hàng nhập ngoại. Sản xuất ra hàng tốt, có giá cạnh tranh mới chỉ là một nửa trong sự tồn tại và phát triển, khá nhiều doanh nghiệp trong nước có sản phẩm tốt, giá cạnh tranh song lại thiếu chiến lược mang tính bài bản về phân phối, tiếp thị, quảng cáo. Không ít doanh nghiệp chỉ quan tâm đến thị trường thành thị, chưa chú trọng khu vực nông thôn trong khi hơn 70% dân số nước ta sống ở khu vực này. Vì thế, vô hình trung đã đẩy người tiêu dùng nông thôn đến với hàng nước ngoài trong đó có hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả. Về phía người tiêu dùng, tất nhiên có quyền mua hàng hóa họ thích nhưng nếu chúng ta tuyên truyền tốt, khích lệ được lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tiết kiệm trong tiêu dùng thì chắc chắn sở thích chơi ngông như nhập giường ngủ giá 6 tỷ đồng hay bỏ hàng triệu USD nhập siêu xe chắc sẽ không xảy ra.

Tính đến nay, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đi được 5 năm, kết quả đã thấy rõ nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều vấn đề. Là cuộc vận động nhưng chưa được lồng ghép vào các hoạt động của đoàn thể xã hội. Các cơ quan chức năng chưa tích cực kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương trên cả nước… Do vậy, nhận thức của xã hội vẫn còn hạn chế dẫn đến kết quả chưa như mong muốn.

Trong hoàn cảnh kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức, hơn bao giờ hết lúc này các doanh nghiệp hãy tỏ rõ lòng yêu nước bằng việc làm cụ thể là đổi mới công nghệ để có nhiều sản phẩm chất lượng cao và giá thành cạnh tranh. Với người tiêu dùng, hãy là người tiêu dùng yêu nước bằng cách chỉ mua hàng ngoại khi trong nước chưa sản xuất được. Nếu doanh nghiệp và người tiêu dùng làm được như vậy, chắc chắn đất nước ta sẽ tự lực, tự cường, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp và tiêu dùng yêu nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.