Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp ứng phó với thiếu điện: Tiết kiệm là tối ưu

Thanh Hiền| 11/05/2010 07:38

(HNM) - Trước những dự báo khó khăn về tình hình cung cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong năm nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Hà Nội đã chủ động tìm biện pháp ứng phó với tình trạng thiếu điện, nhằm hoàn thành kế hoạch sản xuất đã đề ra.

Công ty Kính nổi Viglacera (KCN Việt Nam - Singapore), đơn vị thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất. Ảnh: Ngọc Hà


Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội (Hanosimex) đã thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp như yêu cầu cán bộ, công nhân viên tắt điện khi ra khỏi phòng làm việc; đồng thời sử dụng điều hòa nhiệt độ một cách hợp lý hơn. Đối với sản xuất, vào những ngày trống ca trong tháng, Hanosimex đóng một số biến áp để tránh tiêu hao điện năng và sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện. Phòng Kế hoạch bố trí lịch làm việc cân đối dây chuyền, nhằm tăng hiệu suất sử dụng máy để tiết kiệm điện năng hiệu quả nhất. Tổng công ty cũng thay đổi ca làm việc của nhân viên để tránh giờ cao điểm. Ông Nguyễn Khánh Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hanosimex cho biết, để giao hàng đúng hạn, khu vực may của tổng công ty được trang bị máy phát điện, ưu tiên cấp điện cho những đơn hàng giao gấp...

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Rạng Đông tâm sự, để tiết kiệm năng lượng, công ty đã áp dụng cả giải pháp kỹ thuật và giải pháp quản lý. Hằng tháng, Phòng Kế toán có thống kê chi tiết chi phí cho từng chủng loại sản phẩm, để có mức thưởng - phạt chính xác; đồng thời thay các thiết bị cũ, lạc hậu bằng những thiết bị hiện đại hơn, trong đó có việc thay lò hơi bằng lò dầu DO, giúp giảm 40% lượng dầu DO dùng đốt lò. Được biết, giá một lò dầu cùng các thiết bị đi kèm hiện khoảng 1,5 tỷ đồng, nhưng có thể tiết kiệm khoảng 500 triệu đồng/6 tháng và chỉ cần một năm rưỡi là DN có thể hoàn vốn đầu tư thiết bị. Đối với các thiết bị chạy bằng điện, Rạng Đông đã thay các môtơ xoay chiều, một chiều thành các môtơ biến tần với giá 500-600 triệu đồng/cái, song tiết kiệm khoảng 30% điện năng tiêu thụ. Bên cạnh đó, đơn vị còn thay mái tôn thường bằng tôn lấy sáng cho các nhà máy để tận dụng ánh sáng tự nhiên, giảm 40% số đèn dùng để thắp sáng. Không chỉ ở Rạng Đông, giải pháp đơn giản này cũng đang được nhiều DN trên địa bàn Hà Nội lựa chọn.

Dự báo, những tháng tới, cung - cầu điện có thể mất cân đối từ 2% đến 5% sản lượng do hạn hán kéo dài, phương án cắt điện luân phiên đã phải tính đến. Tuy nhiên, giải pháp tối ưu vẫn là tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả. Do đó, về lâu dài, DN cần đầu tư bài bản từ thay thế máy móc, trang thiết bị hiện đại, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện. Tuy nhiên, với nhiều DN, nhất là các DN vừa và nhỏ, tìm nguồn vốn để đầu tư cho lĩnh vực này không dễ dàng. Vì vậy, DN rất cần nhận được sự hỗ trợ từ "Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực kiểm toán năng lượng, đào tạo, tư vấn và hỗ trợ cho DN trong đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng" để việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, cũng như sử dụng nguồn vốn vay sao cho hiệu quả nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp ứng phó với thiếu điện: Tiết kiệm là tối ưu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.