(HNM) - Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thừa nhận, DN
Doanh nghiệp cần áp dụng những biện pháp linh hoạt để có thể đứng vững trên thị trường trong thời điểm khó khăn hiện nay. Ảnh: Đức Anh |
Cả nước hiện có hơn 675.000 DN đăng ký thành lập, nhưng chỉ có khoảng 472.000 DN đang hoạt động, chiếm gần 70%. 9 tháng đầu năm 2012, có khoảng 40.000 DN phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung, số DN "ngã" trong năm 2011 và từ đầu năm 2012 đến nay chiếm khoảng 40% tổng số DN phá sản trong 25 năm qua. Thực tế này cho thấy mức độ khó khăn đang dồn ép lên DN là chưa từng có và tàn khốc như thế nào. DN đang "rơi" sâu vào tình trạng lợi nhuận tính trên một đơn vị sản phẩm giảm mạnh, cộng với hàng hóa tồn kho, khó bán sản phẩm nên bị kẹt trong vòng luẩn quẩn, không tìm được lối ra. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc từng đơn vị, nhất là đơn vị trực tiếp sản xuất phải căng sức trước các khoản nợ và lãi tăng lên qua từng ngày.
Hiệu suất sử dụng dây chuyền sản xuất cũng giảm, hoặc đình hoãn hẳn, dẫn đến việc phải chi trả thêm cho công đoạn bảo dưỡng, duy trì tiêu chuẩn kỹ thuật của máy móc. Ngược lại, cũng đã có một số DN đã tìm được lối thoát, có dự án hoặc phương án hoạt động hợp lý từ đó có thể bứt phá để vay vốn ngân hàng, nhưng cũng gặp khó khăn do không dễ gì được vay. Trong khi đó, hơn 82% số DN được khảo sát xác nhận đang chịu mức lãi suất khá cao là gần 15%, và 60% số DN cho rằng không thể chịu đựng được mức lãi suất này trong dài hạn. Thêm vào đó, một số DN thuộc ngành nghề có yêu cầu về chất lượng lao động cao, nhất là phục vụ xuất khẩu, lại vướng thêm một số thách thức về số lượng lao động có tay nghề, hợp đồng và đơn giá trong khi giá một số vật tư, nguyên, nhiên liệu gia tăng… Tất cả như một sự dồn tụ khó khăn, đổ xuống từng DN. Dự báo, con số DN phải chấp nhận "chết lâm sàng", chờ phá sản sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
Nhằm vượt qua khó khăn, một số doanh nhân đã biết vận dụng khả năng, nguồn lực và có cách xử lý linh hoạt… để đứng vững trên thương trường. DN cần tìm thị trường mới, giảm giá bán để giải phóng hàng tồn kho, tăng cường năng lực quản trị và tiết giảm chi phí… bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, cải cách hành chính, giảm thuế, cho phép DN giãn, khoanh nợ. Chính phủ xác định, thời gian tới sẽ dành những ưu tiên cao nhất và thỏa đáng để hỗ trợ DN đứng vững, từng bước thoát khỏi tình trạng khó khăn để hồi phục. Mục tiêu cao nhất và lâu dài được xác định là phòng tránh sự đổ vỡ theo hiệu ứng dây chuyền.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, không có giải pháp chung cho tất thảy DN trong việc chèo chống vượt khó, bởi một số đơn vị thất bại còn do những nguyên nhân khách quan, như sự thay đổi "giật cục" về chính sách, quy định Nhà nước; thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, bạn hàng đột ngột rơi vào tình thế phá sản - bất khả kháng dẫn đến mất khả năng thanh toán nên bị "vạ lây"... Từ đó, các chuyên gia khuyến nghị, trong môi trường kinh doanh nhìn chung là bất lợi, thị trường ngày càng co ngót, DN nên áp dụng phương châm là "đánh nhỏ, ăn chắc" để duy trì hoạt động sản xuất, cung cấp việc làm và có nguồn thu. Ngoài ra, đơn vị sản xuất không nên tham gia vào những lĩnh vực đã có nhiều đối tượng khác xuất hiện, những sản phẩm phổ biến hay bão hòa trên thị trường, lại càng không nên chấp nhận phương thức thanh toán trả chậm, thanh toán nhiều đợt, vay nợ… một cách thiếu căn cứ hoặc bất ngờ từ phía đối tác.
Kinh nghiệm cho thấy, đã có một vài DN táo bạo trong đầu tư để mua dây chuyền sản xuất và công nghệ đồng bộ từ DN khác ngay trong thời điểm tất cả đều đang khó khăn. Đó là những quyết đoán khôn ngoan, bởi họ mua được dây chuyền đồng bộ của đối tác với giá phải chăng, thậm chí là thấp hơn giá trị thật, nhưng lại bảo đảm chất lượng. Sau đó, vấn đề là làm chủ công nghệ trong giai đoạn chờ qua "bão" khủng hoảng rồi sẵn sàng đưa dây chuyền vào sản xuất, bung hàng ra thị trường ngay khi đời sống kinh tế đã bắt đầu hồi phục. Riêng với những DN thuộc lĩnh vực chủ lực trong xuất khẩu như dệt may, da giày, đóng tàu… hiện vẫn còn khá phong độ, có thể tìm những hợp đồng từ bạn hàng truyền thống cũng được khuyến khích tăng cường thực hành tiết kiệm, từng bước tăng tỷ lệ sử dụng nguyên, phụ liệu trong nước, nâng cao giá trị gia tăng trên mỗi đầu sản phẩm. Mặt khác, cần đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên gia, thiết kế mẫu mã để gia tăng lợi nhuận qua các công đoạn thiết kế, tạo dáng sản phẩm và từ đó khẳng định vị thế của hàng hóa Việt trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.