(HNM) - Tại giải cầu lông quốc tế Hà Nội Ciputra mở rộng – Yonex Sunrise Việt Nam 2016 vừa qua, Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang tiếp tục là những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong các tay vợt Việt Nam.
Vũ Thị Trang trong nhóm hàng đầu thế giới một hần vì được doanh nghiệp hỗ trợ. |
VĐV môn cá nhân được chú ý
Trong các VĐV đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp hiện nay, ngoài Lê Công Vinh hay Nguyễn Công Phượng ở môn bóng đá, các trường hợp khác đều đến từ các môn cá nhân. Đây cũng là điều bình thường trong làng thể thao Việt Nam khi không có nhiều cầu thủ bóng đá thực sự nổi bật trên sân cỏ. Vì vậy, các doanh nghiệp thường có xu hướng tìm đến VĐV các môn cá nhân đã vươn tầm thế giới hoặc có tiềm năng phát triển đến đẳng câp châu lục, thế giới.
Đầu năm 2016, đại diện thương hiệu Mizuno tại Việt Nam đã tổ chức công bố khoản tài trợ 50.000 USD trong năm 2016 cho tay vợt Nguyễn Tiến Minh. Với bản hợp đồng này, Nguyễn Tiến Minh trở thành đại diện thương hiệu Mizuno tại Việt Nam. Khoản tiền này không quá lớn so với những bản hợp đồng tài trợ trước đây cho Nguyễn Tiến Minh nhưng cho thấy ‘thương hiệu Nguyễn Tiến Minh” vẫn có giá trong mắt các doanh nghiệp. Chính Nguyễn Tiến Minh cũng khẳng định rằng, VĐV chuyên nghiệp càng cần có doanh nghiệp đồng hành. Chỉ có vậy, VĐV mới thực hiện được những mục tiêu mà bản thân hay cơ quan chủ quản của họ không thể làm được do thiếu kinh phí. Gần chục năm nay, Nguyễn Tiến Minh luôn là cái tên được các nhà tài trợ chú ý, từ Yonex, Kawasaki đến Victor rồi Becamex. Đến giờ, anh vẫn là thương hiệu thể thao số 1 Việt Nam.
Còn sự phát triển đều đặn của tay vợt nữ số 1 Việt Nam Vũ Thị Trang trong suốt 7 năm qua cũng gắn liến với thương hiệu thể thao Lining. Bản hợp đồng của Vũ Thị Trang với Lining mang lại thu nhập trong mơ với nhiều VĐV thể thao khác ở Việt Nam (theo một số nguồn tin là hiện tại khoảng 1.500 USD/tháng). Ngoài ra, Vũ Thị Trang được hỗ trợ tối đa về trang phục, trang thiết bị tập luyện, thi đấu. Cũng phải đến buổi công bố sự kiện Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang giành quyền tham dự Olympic 2016 vừa qua, người ta mới rõ về sự đồng hành của Lining với cầu lông Bắc Giang (nơi Vũ Thị Trang đang thi đấu) và cá nhân tay vợt số 1 Việt Nam này. Chính Vũ Thị Trang cũng cho rằng việc được tài trợ cũng giúp cô chuyên tâm luyện tập, thi đấu để rồi giành vé tham dự Olympic 2016. Đấy cũng là tấm vé đầu tiên dự Olympic của Vũ Thị Trang, giúp cô hoàn thành được mục tiêu mà cô chưa bao giờ nghĩ đến lúc vào nghề. Chính Vũ Thị Trang từng kể rằng, lúc mới theo nghiệp VĐV chỉ dám mơ đến ngôi cao ở giải quốc nội. Nhưng rồi nhờ được thi đấu nước ngoài liên tục và tích lũy được điểm số đáng kể trên bảng xếp hạng cầu lông thế giới mà cuối cùng “mơ” lại thành “thực”.
Gần đây, đến lượt kình ngư trẻ Nguyễn Diệp Phương Trâm nhận khoản tài trợ khùng lên đến 18 tỷ đồng trong vòng 9 năm từ Nutifood. Với khoản tài trợ này, Phương Trâm sẽ đi tập huấn dài hạn tại Mỹ để nâng cao thành tích, qua đó có thể sánh ngang thậm chí vượt cả kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên (cũng đang tập huấn dài hạn tại Mỹ). Nhận tài trợ khoảng 2 tỷ đồng/ năm, Nguyễn Diệp Phương Trâm trở thành một trong những VĐV nhận được hợp đồng tài trợ có giá trị lớn nhất trong làng thể thao Việt Nam. Cùng với Phương Trâm, kỳ thủ nhí Nguyễn Lê Cẩm Hiền của Quảng Ninh cũng sẽ nhận được tài trợ từ Nutifood để có thể an tâm tập huấn và thi đấu ở nước ngoài.
Trước đó, nhiều VĐV cũng đã nhận tài trợ từ doanh nghiệp những không mang tính thường xuyên dài hạn hoặc giá trị nhỏ, không đủ giúp họ đi thi đấu quốc tế. rõ nhất là một số tay vợt bóng bàn hàng đầu ở Việt Nam hiện nay đang nhận tài trợ bằng mặt vợt, cốt vợt, trang phục cùng khoảng 5 triệu đồng/ tháng từ các doanh nghiệp kinh doanh dụng cụ bóng bàn.
Phương Trâm (trái) , Cẩm Hiền (giữa) nhận tài trợ từ Nutifood |
Đẩy “thương hiệu” lên: Vừa dễ, vừa khó
Rõ ràng làng thể thao Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều VĐV trẻ tiềm năng có thể phát triển mạnh mẽ nếu được doanh nghiệp “chắp cánh”. Vấn đề là hình ảnh họ phải đến với công chúng nhiều hơn để doanh nghiệp chú ý. Ở góc độ khác, khi doanh nghiệp tài trợ cho VĐV, việc tận dụng tối đa quyền sử dụng hình ảnh cũng chưa như ý.
Khi Nguyễn Tiến Minh còn ở đỉnh cao và nhận tài trợ từ Kawasaki, người trong ngành thể thao đã cố gắng “đẩy” hình ảnh của Nguyễn Tiến Minh lên cho xứng với sự quan tâm của nhà tài trợ. Nhưng lúc đấy, cách thực hiện của các người trong ngành lẫn doanh nghiệp đều khá “tự phát” nên hiệu quả chưa cao. Như nhiều người nhận định thì “thương hiệu Nguyễn Tiến Minh” đã không được sử dụng hết công suất trong những năm ở đỉnh cao phong độ. Phải đến gần đây, khi được Mizuno hỗ trợ trong cả việc xây dựng hình ảnh và phát triển thương hiệu, bản thân Nguyễn Tiến Minh mới thực sự cảm thấy sự chuyên nghiệp trong khâu này.
Ngay trong làng cầu lông Việt Nam hiện nay cũng có những tay vợt trẻ có thể đạt đến đẳng cấp của Nguyễn Tiên Minh như Lê Đức Phát ( Quân Đội), Phạm Cao Cường (TP Hồ Chí Minh) – nam, Nguyễn Thùy Linh (Đà Nẵng, nữ). Ông Lê Minh Hà – Phụ trách bộ môn Cầu lông (Tổng cục TDTT) từng nói rằng, ngoài sự nỗ lực của bản thân thì các tay vợt trẻ này cũng cần nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp để phát triển tài năng. Đổi lại, họ sẽ mang lại hiệu quả kinh doanh đáng kể cho doanh nghiệp nếu thi đấu tốt. Còn ở môn bóng bàn, CLB bóng bàn Hà Nội cũng đã ráo riết tìm kiếm những nhà tài trợ cho các tay vợt hàng đầu. Như trường hợp của Nguyễn Anh Tú, á quân quốc gia. Tay vợt này đang tiến bộ đều đặn trong nhiều năm qua và xứng đáng được nhận sự tài trợ của doanh nghiệp, qua đó đưa trình độ lên một đẳng cấp mới.
Môn cử tạ hay thể dục dụng cụ Việt Nam - đang sở hữu các VĐV hàng đầu thế giới, cũng có những gương mặt có thể giúp doanh nghiệp phát triển thương hiệu. Nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là cách tiếp cận, xây dựng hình ảnh VĐV để các doanh nghiệp buộc phải chú ý đến họ. Thể thao Việt Nam vẫn khá “nghiệp dư” về mặt này nên chính VĐV cũng thiệt thòi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.