Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp cơ khí Hà Nội: Vì sao khó cạnh tranh?

Thanh Hiền| 12/04/2016 06:51

(HNM) - Thiếu vốn, mặt bằng sản xuất, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao và những bất cập về việc áp dụng thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu sản xuất... là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp cơ khí Hà Nội gặp nhiều khó khăn khi đối mặt áp lực cạnh tranh từ các

Doanh nghiệp cơ khí Hà Nội gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: Thanh Hải


Quy mô chưa đủ lớn

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội cho biết, những năm qua, ngành cơ khí Hà Nội đã có bước tăng trưởng khá nhanh. Các DN cơ khí nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn Hà Nội (dưới 200 lao động) hiện chiếm khoảng 95% trong tổng số DN ngành cơ khí. Dù chỉ chiếm tỷ trọng 21% về sản lượng, nhưng các DN nhỏ đã giải quyết tới 50% số lao động của ngành. Tuy nhiên, điều cần suy nghĩ ở đây là tăng trưởng ngành cơ khí Hà Nội chủ yếu là do sự góp mặt của các DN có vốn đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…; là sự gia tăng sản lượng của các tập đoàn, tổng công ty công nghiệp ô tô, cơ khí xây dựng, thiết bị điện nhà nước. Các DN cơ khí nhỏ Hà Nội dù có nhiều đóng góp quan trọng, nhưng để tồn tại và phát triển thì rất khó khăn do thiếu vốn, thiết bị chế tạo chưa đồng bộ, sản xuất nhỏ lẻ chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là thiếu nhân lực chất lượng cao... Để được hỗ trợ, DN phải đạt được tỷ lệ chế tạo trong nước theo quy định, nhưng chính sách thuế còn không ít bất cập, nên các DN ngành cơ khí khó cạnh tranh để phát triển. Mặt khác, theo quy định của Bộ Công thương đối với ngành cơ khí khuôn mẫu, DN phải chứng minh sản phẩm được sản xuất trong nước có tỷ lệ thị phần/doanh số nhất định. Điều này là không khả thi vì các DN cơ khí trong nước quy mô chưa đủ lớn để đáp ứng yêu cầu.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse chia sẻ, những rào cản về thủ tục hành chính đã làm chậm bước phát triển của các DN ngành cơ khí. Đơn cử, Tập đoàn Sunhouse mua lại một nhà máy ở huyện Hoài Đức làm địa điểm sản xuất từ năm 2007, nhưng đến nay đã 9 năm mà vẫn chưa xong thủ tục. Một rào cản khác là chính sách thuế đối với thành phẩm (cơ khí) nhập khẩu là 0%, trong khi linh kiện nhập khẩu lại phải chịu thuế 5%.

Đầu tư cho sản xuất cần nguồn vốn lớn và ổn định, nhưng theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất bếp công nghiệp Hà Yến, DN rất khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng.

Không để bất cập chặn đường phát triển

Chia sẻ những búc xúc của DN tại buổi gặp gỡ các DN ngành cơ khí chế tạo do Hiệp hội DN vừa và nhỏ TP Hà Nội tổ chức mới đây, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng đề nghị, hiệp hội tổng hợp đầy đủ kiến nghị của các DN ngành cơ khí để Sở Công thương trình UBND TP Hà Nội, đồng thời gửi các bộ, ngành chức năng có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, không để những bất cập về chính sách chặn bước phát triển của DN.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, ông Lê Hồng Thăng đề xuất cần có cơ chế bảo hộ sản phẩm cơ khí trong nước mà không vi phạm các cam kết quốc tế, nhất là nghiên cứu các hàng rào kỹ thuật nhằm loại bỏ những sản phẩm cơ khí, thiết bị máy móc giá rẻ nhưng chất lượng thấp. Đối với những dự án đầu tư và mua sắm sử dụng vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ bắt buộc trong hồ sơ mời thầu phải có tiêu chí đánh giá về tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật tư, thiết bị, các sản phẩm cơ khí trong nước mà bảo đảm yêu cầu kỹ thuật… Đây chính là những hợp đồng để các DN cơ khí có điều kiện đầu tư mua sắm thiết bị mới để gia công chế tạo. Đặc thù của ngành cơ khí đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, trong khi lợi nhuận thấp hơn các ngành khác, thời gian thu hồi vốn lâu hơn, vì vậy, cần nghiên cứu cơ chế tín dụng ưu đãi cho ngành cơ khí, nhất là đối với các sản phẩm cơ khí trọng điểm, ứng dụng công nghệ cao và tạo điều kiện cho các DN cơ khí được tiếp cận các nguồn vốn, xúc tiến tìm thị trường... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp cơ khí Hà Nội: Vì sao khó cạnh tranh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.