(HNM) - Là địa phương có thế mạnh về hàng thủ công mỹ nghệ với hơn 1.350 làng nghề, nhưng đến nay nhiều sản phẩm của Hà Nội vẫn chưa tạo được thương hiệu trên thị trường...
Chiếm 45% tổng số làng nghề truyền thống trong cả nước, thời gian qua, việc duy trì, quảng bá thương hiệu làng nghề đã được UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo thực hiện. Điển hình như quận Tây Hồ, đã đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ cho phép Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng sử dụng địa danh và xác nhận bản đồ để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Xôi Phú Thượng”. UBND quận Hà Đông tổ chức gắn thương hiệu lên sản phẩm lụa Vạn Phúc...
Tuy nhiên, đây là những con số quá khiêm tốn so với trên 1.350 làng nghề truyền thống của Hà Nội. Hiện, đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và làng nghề chưa ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu. Nguyên nhân của tình trạng này là các cơ sở làng nghề chủ yếu sản xuất nhỏ, hoạt động manh mún, thiếu gắn kết nên khó tiếp cận nguồn vốn cũng như không có nguồn lực được đào tạo bài bản về quản trị thương hiệu...
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề, thời gian qua, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai quy chế hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu. Từ hỗ trợ đào tạo kiến thức về xây dựng, quảng bá, đặt tên thương hiệu, đến thiết kế biểu tượng, hoặc hệ thống dấu hiệu nhận diện thương hiệu… Đối với các làng nghề đang phát triển mạnh, thành phố sẽ tập trung vào những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn và giá trị kinh tế cao; nghiên cứu đổi mới mẫu mã sản phẩm; đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại… Song, cùng với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, chính các doanh nghiệp cũng phải chủ động trong tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào đổi mới sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.