Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp bức xúc, hãng tàu... vòng vo

ĐẶNG LOAN| 24/08/2014 06:42

(HNM) - Việc cảng Cát Lái tăng phí để giảm ùn ứ, hàng loạt các hãng tàu tăng giá


Phí "tai bay vạ gió"!

Bà Trương Thị Thúy Liên, đại diện cho Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) bức xúc cho rằng các hãng tàu thu hàng chục loại phí khác nhau và mức thu thì "vô tội vạ", mỗi hãng tàu có một giá khác nhau, thậm chí có loại phí chênh lệch đến 200%. Bà Liên liệt kê hàng chục loại phí như: Phí dịch vụ container (THC), phí mất cân đối container (CIC, CIS), phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí đặt cược container, phí thủ tục, phí chứng từ, phí giao hàng… thậm chí có hãng tàu còn thu phí khai hải quan, phí xăng dầu… Công ty của tôi vừa bị một hãng tàu đòi phí 11,5 triệu đồng với lý do là container hàng nhập về được đóng… không đúng quy cách của hãng tàu. Đó là sự bất hợp lý vì chúng tôi đâu có đóng container, bà Liên bức xúc cho biết phải tranh đấu nửa tháng trời mới được trả lại khoản phí "tai bay vạ gió".

Nhiều loại phí phát sinh trong lĩnh vực vận tải biển đang là gánh nặng cho các doanh nghiệp.



Cũng theo thống kê từ 3 Hiệp hội, những loại phí mà DN không đồng tình là: Phí mất cân đối container vì loại phí này chỉ phát sinh khi có sự mất cân đối vỏ container giữa hai đầu bến nhưng nhiều hãng tàu vẫn thu đều đặn của các chủ hàng Việt Nam từ năm 2010 đến nay; phí vệ sinh container áp dụng với cả những loại hàng sạch như dệt may, da giày với mức phí trên dưới 10USD/container; phí sửa chữa vỏ container dù phí này đã được tính vào chi phí khấu hao tài sản trong quá trình kinh doanh của hãng tàu; phí đặt cược container lạnh… Các DN cũng phản ánh dù cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) đã trở lại bình thường từ ngày 5-8-2014, không còn tắc nghẽn nữa nhưng đến thời điểm này các hãng tàu vẫn buộc DN phải đóng phụ phí tắc nghẽn cảng do ùn ứ hàng hóa.

Lượng container xuất nhập khẩu của 3 ngành thủy sản, dệt may và da giày chiếm khoảng hơn 40% tổng lượng container xuất nhập khẩu cả nước. Theo tính toán của các DN, so với năm 2013 thì năm nay các loại phí vận tải biển tăng 20% - 30%. Có những loại phí từ năm 2007 đến nay tăng gần gấp đôi như phí dịch vụ container. Việc tăng giá cước vận chuyển của các hãng tàu, đặc biệt là việc tăng thu các loại phụ phí hàng hóa tại cảng biển đang là gánh nặng "đè lên vai" các DN.

Cần minh bạch thông tin

Ông Nguyễn Đình Nam, Phó Trưởng Văn phòng phía Nam của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng những bức xúc về phí vận tải biển của các DN từ năm 2003 đến nay chưa được giải quyết triệt để. Theo ông Nam, cần phải minh bạch thông tin, khi tăng giá phải có cơ sở hợp lý để quyền lợi mỗi bên được bảo đảm, tránh thiệt thòi cho DN. Các DN cũng cho rằng, sự áp phí của các hãng tàu là không minh bạch khi cùng một loại hàng, cùng một cảng đến mà giá giữa các hãng chênh lệch nhau rất nhiều.

Phản hồi thông tin với các DN về mức phí dịch vụ container được cho là tăng gần gấp đôi so với năm 2007, đại diện Hãng tàu OOCL Việt Nam "so sánh", một bữa cơm sinh viên năm 2007 chỉ là 4.000-5.000 đồng và một bữa cơm văn phòng hiện nay là 40.000-50.000 đồng để lý giải cho việc hãng tàu tăng mức thu phí vận tải biển! Đại diện Hãng tàu Evergreen Việt Nam thì cho rằng, không như các DN phản ánh, các hãng tàu thu phí rất minh bạch vì có hóa đơn chứng từ rõ ràng. Theo đó, các hãng tàu không áp đặt các loại phí, phụ phí mà tất cả đều có quy trình, chẳng hạn có hư hỏng nên mới có chi phí sửa chữa. Đại diện hãng tàu này cho rằng hãng tàu cũng đang phải chịu rất nhiều chi phí như bốc dỡ ở các hãng trung chuyển, phí liên quan đến hoạt động của hãng tàu mà các DN không thể thấy được! Do các hãng tàu cũng phải cạnh tranh nên rất minh bạch mức phí thu bao nhiêu và khi tăng giảm đều thông báo đến tất cả khách hàng!

Không đồng tình với phản hồi của OOCL, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng vấn đề không phải là mức giá bao nhiêu mà điều các DN quan tâm và cần được các hãng tàu thông tin là cơ sở tăng giá xuất phát từ đâu. "DN quan tâm không phải vì mất số tiền lớn mà là ấm ức vì bị thu mà không biết lý do vì sao". Cũng như ông Hòe, tất cả các DN tại buổi tọa đàm đều rất bức xúc với giải thích của hãng tàu và đề nghị được công bố rõ ràng, minh bạch thông tin, cơ sở tính phí. Các DN cho biết dù, các hãng tàu nói DN có quyền lựa chọn nhưng sự thật DN không lựa chọn được vì còn do khách hàng chỉ định.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh cho biết, Cục Hàng hải đã thông báo hiện tượng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái đã hết kể từ ngày 5-8 và đề nghị các hãng tàu không thu phụ phí tắc nghẽn cảng, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chỉ có 15 hãng tàu thông báo ngưng thu phụ phí kẹt cảng, 6 hãng thông báo ngưng nhưng chưa có văn bản và 4 hãng tàu chưa có thông báo ngưng. Trong khi đó, đại diện OOCL cho biết từ ngày 20-8 đã ngừng thu phí kẹt cảng, còn Hãng tàu Wanhai thì cũng cho biết từ ngày 25-8 đã "tạm ngưng không thu phí kẹt cảng".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp bức xúc, hãng tàu... vòng vo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.