(HNM) - Đó là Đoàn nhạc gõ Phù Đổng nổi tiếng cả nước. Ít ai biết, đoàn nhạc do 8 thành viên lập ra lại toàn là
Nghệ sĩ Đức Lợi tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. |
Nghệ sĩ Trần Đức Lợi, người anh cả của Đoàn nhạc gõ Phù Đổng, có dáng người nhỏ, làn da hồng hào và mái tóc dài chấm vai bạc cước. Ông sinh năm 1946 tại Hà Nội, biết đánh trống từ thuở lên 10 tuổi khi phụ trách đội nhạc của CLB Thiếu nhi Hà Nội. Lớn lên, ông trở thành một trong những sinh viên xuất sắc khóa đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội. Học kèn Clarinette, chơi nhạc Tây điệu nghệ nhưng đó không phải thứ ông đam mê. "Nhà tôi lúc đó ở 87 Phố Huế, kề rạp hát Đại Nam nên từ nhỏ tiếng ca hát, tiếng gõ trống đã đi vào giấc ngủ của mấy anh em. Niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc được vun đắp thêm khi mẹ quyết mua cho mấy anh em một cái cồng. Đây là nhạc cụ thứ hai chúng tôi được tiếp xúc sau chiếc trống cơm, ở sân khấu sinh hoạt thiếu nhi" - ông tâm sự và cho hay kể từ đó bắt đầu tìm tòi, sưu tầm, sử dụng trống, cồng, chiêng, đàn đá…
Năm 1980, các anh em của gia đình toàn nghệ sĩ là Đức Lợi, Đức Tân, Đức Bình, Đức Dậu, Đức Quang, Đức Dũng (kết nghĩa anh em với Đức Dậu), Ánh Tuyết (em gái) và Bích Đào (em dâu) đồng loạt nghỉ công tác tại các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp để thành lập đoàn nhạc gia đình mang tên Đoàn nhạc gõ Phù Đổng. Đoàn do người em là nghệ sĩ Đức Dậu tài hoa và khéo léo nhất làm trưởng đoàn. Tám thành viên, mỗi người sở hữu một cái tài riêng, mỗi người như một nốt nhạc, nhưng với tài năng tâm huyết và sự đam mê với nhạc gõ dân tộc, đã hòa quyện với nhau, trở thành đoàn nhạc độc đáo. Đoàn nhạc gõ Phù Đổng vừa chơi nhạc, lại vừa sưu tầm, nghiên cứu và sáng tác.
Ban đầu, nhóm Phù Đổng với toàn những nhạc cụ gõ như các loại trống, phách, cồng, chiêng, não bạt... thường biểu diễn các tiết mục Trống trận Quang Trung, Vó ngựa cấp báo, Thầy và trò, Tiếng sáo mừng xuân, Vào hè... gây được tiếng vang trong sinh hoạt âm nhạc Thủ đô thời ấy. Năm 1987, nhóm Phù Đổng vào TP Hồ Chí Minh biểu diễn ở một số đơn vị quân đội tại Tân Sơn Nhất, Viện Nghiên cứu âm nhạc TP. Điều đáng nói, sau đợt biểu diễn này, đoàn nhạc được Công ty Dịch vụ đường sắt Sài Gòn mời về để rồi họ có cơ hội đặt dấu ấn cho sự phát triển ở phương Nam.
Nơi đất khách quê người, 30 năm kiên trì, cố gắng và nhiệt huyết với âm nhạc dân tộc, đến nay Đoàn nhạc gõ Phù Đổng đã lưu diễn trên 20 quốc gia. Năm 1990, đoàn được đi biểu diễn nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do UNESCO tổ chức tại Pháp. Đến 1996, đoàn lại lần nữa vinh dự đại diện cho Việt Nam tham gia đại nhạc hội âm nhạc thế giới tại Mỹ. Đoàn cũng ba lần giành huy chương vàng liên hoan nghệ thuật toàn quốc. Thành công ở TP Hồ Chí Minh nhưng nghệ sĩ Đức Lợi bảo, niềm tự hào nhất đối với 8 nghệ sĩ là được Sở VH-TT&DL Hà Nội mời phục vụ nhạc lễ trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhiệm vụ dựng khúc nhạc mở đầu, tế trời tế đất cho Tổ quốc thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc được giao cho đoàn nghệ sĩ Đức Lợi. Làm ra 1.000 trống thì dễ, điều quan trọng trong một thời gian ngắn là đào tạo 1.000 diễn viên để đánh trống lại vô cùng khó khăn. Để chuẩn bị đồng diễn nhạc trống, đoàn nhạc phải làm công tác chuẩn bị mất vài tháng và tập luyện cả tuần lễ. Diễn viên tham gia được chọn các đoàn từ nghệ thuật, sinh viên và cả vận động viên thể thao. Tám anh em của đoàn nhạc Phù Đổng phải chia nhau ra, mỗi người đứng đầu một khu vực để điều khiển dàn dựng, diễn tập cho 1.000 diễn viên vừa chuyên nghiệp vừa không chuyên...
Có lẽ hiếm đoàn nhạc nào đặc biệt như Đoàn nhạc gõ Phù Đổng khi tất cả thành viên đều là anh em trong một gia đình, cùng đào tạo trong trường nhạc, làm việc cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và rồi lại cùng nhau vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, cùng thành công. Nhưng chưa hết, nghệ sĩ Đức Lợi còn tự hào rằng không chỉ thành công chung, mỗi người đều có thành công riêng của mình. Như nghệ sĩ Đức Dũng được mệnh danh là "phù thủy" trên dàn trống; nghệ sĩ Đức Dậu là nhà sưu tầm nhạc cụ độc đáo với "kho" tài sản vô giá như một chiếc trống sấm hơn 100 năm tuổi; bộ sưu tập trống Tây Nguyên với 135 trống lớn, 53 trống sấm và 50 trống vỗ; các loại đàn đá quý hiếm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.