(HNM) - Hai ngày trước, Đài Truyền hình Việt Nam ra mắt chương trình chuyên đề về an toàn thực phẩm - lời tuyên chiến của cơ quan truyền thông này đối với vấn nạn thực phẩm "bẩn". Trước đó ít ngày, dư luận sôi lên trước thông tin về căn bệnh ung thư, những dự báo về mức độ ảnh hưởng của căn bệnh này đối với xã hội cũng như nguyên nhân của tình trạng hiện nay. Trong tâm điểm dư luận, thực phẩm "bẩn" là nguyên nhân gây ung thư được nhắc tới nhiều nhất, đặt ra bài toán quản lý liên quan đến cây trồng, vật nuôi.
Khi cả xã hội rùng rùng phản ứng trước vấn nạn thực phẩm, có lẽ vấn đề đã ở vào tình huống vượt ngưỡng, phải tìm ra cách khắc phục triệt để trong tương lai gần. Muốn vậy, cũng cần đặt ra câu hỏi là vì sao chúng ta rơi vào tình huống khiến vấn đề ăn gì, mua gì, mua ở đâu trở nên nan giải với người tiêu dùng? Chúng ta bị động trước tình huống mới, hay đã xác định được nguyên nhân và đã có giải pháp nhưng ý thức, hành động nhằm thay đổi thực trạng chưa đúng, chưa đủ, chưa quyết liệt?
Cần phải nhìn thẳng vào sự thật là chúng ta không bất ngờ trước sự nguy hại đến từ cách thức nuôi trồng vô trách nhiệm, chẳng hạn như với clenbuterol - thường được gọi là chất tạo nạc. Khoảng đầu những năm 2000, người ta đã xác định được độ nguy hiểm của clenbuterol - chất kích thích tăng trưởng có khả năng hướng chất dinh dưỡng vào mô cơ của vật nuôi, giúp tăng độ nạc, giảm lượng mỡ. Khi đó, clenbuterol đã được xếp vào dạng cấm bởi hệ lụy từ việc sử dụng sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất này là rất lớn. Và, với vấn đề tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi cũng vậy. Chúng ta, từ lâu, đã biết rằng việc trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi một cách thường xuyên sẽ dẫn tới hậu quả xấu là người sử dụng có thể lâm vào tình trạng "lờn thuốc" khi được điều trị bệnh… Vậy thì vì sao, hơn 15 năm kể từ khi xác định rõ "bộ mặt thật" của clenbuterol, chúng ta lại phải "nhảy dựng lên" trước hiểm họa từ nó? Vì sao nhà chăn nuôi vẫn cố tình sử dụng chúng và vì sao các giải pháp quản lý chưa phát huy hiệu quả cần thiết?
Phân tích vấn đề, dựa trên dữ liệu đúng là đã hình dung rõ về mối nguy từ thực phẩm "bẩn" lớn như thế nào, cần phải dũng cảm thừa nhận rằng ý thức chống lại mối nguy đó của chúng ta còn kém. Nhiều người nuôi trồng có ý thức tuân thủ quy định hiện hành rất kém, nhẫn tâm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, không khác gì "tự giết đồng loại". Nhà quản lý chưa làm tròn trách nhiệm, để lọt hành vi mua bán chất cấm trong chăn nuôi cũng như sử dụng chúng. Trong khuôn khổ luật định, phản ứng của người tiêu dùng - công dân là chưa đủ. Hành vi sai trái diễn ra trong khoảng thời gian dài, không thể che đậy mãi nhưng ít người chủ động thông báo hành vi sai trái với cơ quan có trách nhiệm, như thể đó không phải là việc của mình, không liên quan tới sức khỏe của mình vậy...
Dù muộn, nhưng trong ít ngày vừa qua đã xuất hiện tín hiệu khả quan hơn trong việc chống lại nguy cơ từ thực phẩm "bẩn". Dư luận lên cao, truyền thông mạnh mẽ, nhà quản lý tính đến phương án bỏ tù dài hạn với những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe của đồng loại. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, khi "nước đã tới chân", vấn đề là phải xác định được những phần việc ưu tiên, có kế hoạch ngắn - trung - dài hạn cho vấn đề này và tập trung thực hiện dứt điểm từng phần. Trong ngắn hạn, khi ý thức tự giác tuân thủ quy định hiện hành về lĩnh vực nông nghiệp ở một số cá nhân, tổ chức còn hạn chế, bị chi phối bởi tâm lý kiếm tiền bằng mọi giá, điều cần nhất là không bỏ sót hành vi sai phạm, đưa ra hình phạt tương xứng, đủ mức răn đe những ai muốn làm điều tương tự. Song song với việc tìm diệt nguy cơ, cơ quan chức năng phải chủ động tìm lối ra cho sản phẩm an toàn, ý thức rõ rằng điều đó nằm trong gói giải pháp chống lại thực phẩm "bẩn" chứ không phải phần việc tách rời. Những cơ sở nuôi trồng tử tế cần được trợ giúp để mở rộng quy mô sản xuất, có con đường ngắn nhất để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Tình hình hiện nay cho thấy người tiêu dùng cũng phải góp sức chống lại thực phẩm "bẩn", coi đó là việc của mình, vì mình và vì xã hội. Chúng ta có thể làm việc đó bằng cách từ chối sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, tố cáo hành vi sai trái thay vì xì xào rồi thôi. Cần phải ý thức rằng đã qua thời chỉ nghe, "nói không với thực phẩm bẩn" nhưng không hành động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.