Càng đến gần Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm càng tăng cao. Cùng với đó là nguy cơ thực phẩm bẩn, mất an toàn len lỏi vào thị trường.
Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong, thành viên Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội về công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong dịp Tết, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Tạm dừng hoạt động 6/7 cơ sở được kiểm tra
- Ông đánh giá thế nào về thực trạng, nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm tiềm ẩn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội?
- Theo thông lệ cứ đến thời điểm giáp Tết, thị trường thực phẩm lại sôi động, kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Cùng với đó, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia không rõ nguồn gốc được tiêu thụ nhiều trong dịp này.
Ngoài ra, qua công tác thanh tra, kiểm tra, vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm thường xảy ra tại những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, chưa tuân thủ đúng quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, thậm chí sử dụng nguồn nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc… Nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng mất vệ sinh, an toàn thực phẩm sẽ diễn biến phức tạp.
- Vậy, sau 3 tuần ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm Tết, ông đánh giá thế nào về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của các quận, huyện, thị xã cũng như cơ sở sản xuất, kinh doanh?
- Trong dịp Tết năm 2025, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, trong đó 3 đoàn do lãnh đạo các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương làm trưởng đoàn và 1 đoàn do lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố làm trưởng đoàn. Riêng Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố do lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn đến nay đã làm việc với 6 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Hà Đông, Chương Mỹ, Hoài Đức và Bắc Từ Liêm về việc triển khai bảo đảm an toàn thực phẩm Tết, đồng thời trực tiếp kiểm tra đột xuất 7 cơ sở.
Tại thời điểm kiểm tra, chúng tôi đã yêu cầu tạm dừng hoạt động của 6/7 cơ sở do không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở vi phạm chủ yếu sản xuất theo kiểu thủ công, chưa chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy trình khép kín một chiều. Thêm vào đó, nhận thức của chủ cơ sở về vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm chưa cao, khi bị kiểm tra còn có thái độ đối phó, chưa hợp tác. Trong đó, Công ty cổ phần Thương mại và công nghệ thực phẩm Đức Vinh (tại địa chỉ số 2 đường Thanh Niên, điểm công nghiệp La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là cơ sở “khủng khiếp nhất” về mức độ mất vệ sinh.
- Như ông vừa đề cập, các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm chủ yếu sản xuất thủ công, quy mô hộ gia đình. Vậy, theo ông cần có biện pháp gì để siết chặt quản lý, đưa mô hình sản xuất này hoạt động theo đúng “quỹ đạo”?
- Những ngày vừa qua, vụ việc cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh (địa chỉ số 11 phố Hàng Than, quận Ba Đình) bị tạm dừng hoạt động do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đã gây chú ý trong dư luận. Bởi đây là cơ sở nổi tiếng, đông khách nhưng quá trình sản xuất không tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm và họ đã tự đánh mất đi thương hiệu của mình. Sự việc này cho thấy, muốn phát triển sản phẩm, giữ vững thương hiệu thì dù sản xuất theo dây chuyền, công nghệ hiện đại hay theo phương thức thủ công truyền thống đều phải tuân thủ và chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ hộ kinh doanh, sản xuất thực phẩm trên địa bàn, nhất là các thương hiệu truyền thống. Tiếp đến, tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn, yêu cầu chủ cơ sở phải chuẩn hóa lại quy trình sản xuất, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ; chuẩn hóa lại hồ sơ pháp lý, khám sức khỏe định kỳ cho công nhân tham gia sản xuất… Cùng với việc tuyên truyền vận động, hướng dẫn các cơ sở này tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, thẩm định các điều kiện, tiêu chuẩn tại cơ sở. Qua kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm cần phải xử lý nghiêm, thậm chí là đình chỉ hoạt động.
Không báo trước, không chọn trước cơ sở kiểm tra
- Để tăng cường hiệu quả quản lý lĩnh vực “nóng” như an toàn thực phẩm, nhất là vào thời điểm Tết, năm nay, công tác kiểm tra có những thay đổi gì, thưa ông?
- Năm nay, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố, các đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm của thành phố kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết và lễ hội tại các quận, huyện, thị xã sẽ không báo trước. Các đoàn kiểm tra sẽ không để quận, huyện, thị xã chọn cơ sở đi kiểm tra mà chúng tôi tiến hành kiểm tra đột xuất.
Sau kiểm tra, đoàn kiểm tra sẽ báo cáo lại kết quả với lãnh đạo thành phố để thành phố nắm được những vấn đề đang tồn tại và tiếp tục chỉ đạo các biện pháp tiếp theo. Theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phải được công khai, nghiêm túc, không bao che, không sợ dư luận, không sợ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
- Theo ông, các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng quản lý đã đủ mạnh, có cần thiết phải “mạnh tay” hơn nữa để tạo sự răn đe?
- Hà Nội luôn chỉ đạo kiên quyết xử lý vi phạm ở mức cao nhất có thể vận dụng, áp dụng nhiều biện pháp như phạt tiền, tạm dừng hoạt động sản xuất đến khi nào cơ sở đó khắc phục được sai phạm… Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh sản phẩm ngay tại chỗ. Khi phát hiện cơ sở vi phạm, cơ quan chức năng yêu cầu chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm, giám sát việc khắc phục và thẩm định đến khi nào đạt yêu cầu mới cho hoạt động trở lại.
Đặc biệt, thành phố sẽ tái kiểm tra đột xuất xem chính quyền địa phương giám sát, xử lý vi phạm đến đâu và các cơ sở khắc phục ra sao. Theo tôi, để công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục phát huy hiệu quả, ngay từ chính quyền cơ sở cần phải tăng cường kiểm tra thực tế và kiên quyết xử lý vi phạm, thay vì chỉ đôn đốc, nhắc nhở; đồng thời, công khai cơ sở vi phạm để người dân biết, không sử dụng sản phẩm của những cơ sở này.
- Để vui Tết trọn vẹn, phòng tránh ngộ độc, ông có lời khuyên gì đối với người tiêu dùng?
- Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng trong việc chọn mua, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm. Hiện nay hàng hóa cung ứng Tết rất đa dạng, đầy đủ, do đó, người dân không nên tích trữ thực phẩm để tránh việc sử dụng thực phẩm bị quá hạn, ôi thiu... dễ gây ngộ độc.
Ngoài ra, người dân nên lựa chọn thực phẩm tại các cơ sở uy tín, chú ý tem nhãn rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, tránh mua ở các điểm bán hàng tự phát. Cùng với đó, nên mua rượu có nhãn mác rõ ràng, địa chỉ uy tín và uống có chừng mực. Chúng tôi cũng đề nghị chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, ngăn chặn thực phẩm bẩn len lỏi vào thị trường, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.