(HNMO) – Cha mẹ thường bị đẩy vào tình trạng lúng túng hoặc lo lắng tột độ khi đứa bé của mình dù đã được đáp ứng đủ các nhu cầu cần thiết như ăn, ngủ, thay bỉm tã… mà vẫn khóc như xé vải.
Vậy nên phương pháp dỗ trẻ nín khóc của bác sĩ Tây được cho là một “bài thuốc” hiệu quả cứu cánh cho các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu phương pháp này có hiệu quả tuyệt đối?
Từ đầu tháng 12 trên các trang mạng xã hội xuất hiện một video quay lại cảnh bác sĩ nhi khoa Robert Hamilton dỗ dành hai em bé nín khóc nhanh một cách bất ngờ bằng phương pháp “Hold”. Em bé trong đoạn phim còn rất non nớt nên bác sĩ sử dụng tay thuận để đỡ phần hông của trẻ. Trước đó, bác sĩ bó hai cánh tay của em bé trước ngực và dùng tay không thuận để đỡ cằm và cánh tay của bé. Cuối cùng, em bé được đua đưa nhẹ nhàng theo hướng nghiêng 45 độ.
Theo đánh giá của bác sĩ Block từ Học viện Nhi khoa Mỹ: “Trên thực tế, rất nhiều bé sơ sinh thích được đung đưa nhẹ nhàng. Học việc của chúng tôi cũng từng quan ngại về các phương pháp đu đưa trẻ sai cách gây ảnh hưởng đến xương sống của trẻ. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá đây là một phương pháp tốt”. Ông còn cho biết thêm rằng phương pháp này chỉ áp dụng được với trẻ ở độ tuổi nhất định, từ khoảng 2-4 tháng và đặc biệt cần phải nhẹ nhàng, tránh rung lắc nhiều khiến bé hoảng hốt và khóc nhiều hơn.
Đối với những trẻ lớn hơn, các bác sĩ khuyên là nên để trẻ tự trấn an bản thân. “Cho trẻ nằm một mình ở nơi an toàn như cũi hoặc nôi cùng (nếu có đồ chơi màu sắc càng tốt) và quan sát từ xa”. Điều này tuy không thể khiến trẻ ngưng khóc ngay lập tức như phương pháp “Hold” nhưng sẽ giúp cho cha mẹ bình tĩnh hơn và tránh tình trạng dỗ dành trẻ bằng cách rung lắc mạnh do lo sợ.
Trẻ thường khóc nhiều không có lí do từ 6-8 tuần tuổi vì những lí do như đói, nóng, lạnh, thay bỉm… Vậy nên các bậc phụ huynh thường được khuyến cáo để ý đến những nhu cầu thiết yếu của con.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.