Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Đô thị sân bay'' - cơ hội phát triển cho Hà Nội

Bảo Hân| 24/10/2022 06:20

(HNM) - Trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô đang được thực hiện, việc xem xét nghiên cứu phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” với cấu trúc có sự tích hợp “đô thị sân bay” là khuyến nghị được các chuyên gia quy hoạch đô thị đưa ra. Mô hình này được kỳ vọng tạo cực phát triển mới, năng động, thiết thực và hiệu quả cho Hà Nội.

Hà Nội có thể xem xét việc tích hợp mô hình “thành phố trong thành phố” với mô hình “đô thị sân bay” ở phía Bắc sông Hồng tại khu vực liền kề sân bay quốc tế Nội Bài.

Xu hướng chung của các đô thị phát triển

Theo thống kê của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, trên thế giới hiện có hơn 80 đô thị sân bay đã hoạt động và đang trong quá trình phát triển. Đây là xu hướng chung xuất phát từ nhu cầu thương mại, đô thị, con người của xã hội hiện đại và góp phần làm tăng trưởng giá trị bất động sản. Mô hình phát triển khu đô thị sân bay Changi (Singapore), Incheon (Hàn Quốc), Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất), Frankfurt (Đức)... là những ví dụ điển hình cho xu hướng này.

Các chuyên gia quy hoạch đô thị phân tích, cấu trúc “đô thị sân bay” thông thường bao gồm khu vực sân bay, khu trung tâm đô thị đa chức năng liền kề, các đầu mối kết nối giao thông (có thể bao gồm đường cao tốc, đường bộ, metro, đường sắt cao tốc, tuyến xe buýt nhanh BRT, các tuyến kết nối đi bộ, xe điện giữa các khu vực...) và khu dân cư xung quanh, tạo nên một tổng thể thống nhất hoàn chỉnh.

Ở Việt Nam, xu hướng này cũng đang được một số tỉnh, thành phố lớn xem xét, nghiên cứu. Tại thành phố Hồ Chí Minh, UBND thành phố vừa yêu cầu các quận Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp nghiên cứu các giải pháp phát triển đô thị khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh xem xét vấn đề này trong quá trình lập và thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060...

Còn tại Đà Nẵng, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, thành phố có thể xây dựng mô hình đô thị sân bay trong bán kính 1-2km quanh sân bay Đà Nẵng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Đà Nẵng đang lấy ý kiến đồ án Quy hoạch phân khu sân bay tỷ lệ 1/2000. Hoặc tại thành phố Cần Thơ, dự án Stella Mega City cũng có thể đáp ứng xu hướng phát triển đô thị sân bay trong tương lai. Ngoài ra, các đô thị mới Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) vừa được Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đặt mục tiêu hình thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế.

Nhìn ra cơ hội phát triển cho Hà Nội

Theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 27-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội được phát triển theo mô hình chùm đô thị (1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, 3 đô thị sinh thái...). Đô thị trung tâm là khu vực đô thị lịch sử mở rộng cũng được phát triển theo hướng đa trung tâm. Các chuyên gia quy hoạch đô thị nhìn nhận, về lý thuyết, đây là mô hình phát triển tốt. Tuy nhiên, trên thực tế cần có sự điều chỉnh linh hoạt khi không thể hoàn thành nhiều mục tiêu lớn như mong đợi, nhất là khi đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp về dân số, cơ sở hạ tầng, giao thông, chất lượng, môi trường…

Kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu quan điểm, để tạo ra thế và lực, có tính đột phá mới, phù hợp với thực tiễn trong quá trình đô thị hóa, Hà Nội rất cần nghiên cứu phát triển mô hình “thành phố trong thành phố”, có sự điều chỉnh tính chất, chức năng của một số đô thị vệ tinh. Hoặc tích hợp mô hình “thành phố trong thành phố” với mô hình “đô thị sân bay” ở những trường hợp cụ thể, nhằm tạo ra một cực phát triển mới năng động, có sức lan tỏa, thúc đẩy, lôi kéo sự phát triển chung của toàn thành phố.

Theo ông Trương Văn Quảng, Hà Nội hoàn toàn có thể xem xét nghiên cứu việc tích hợp mô hình “thành phố trong thành phố” với mô hình “đô thị sân bay” ở phía Bắc sông Hồng tại khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn liền kề với sân bay quốc tế Nội Bài. Đây là khu vực có vị trí đắc địa, có mối quan hệ thuận tiện với hệ thống hạ tầng khung khu vực, quốc gia, với các hành lang, khu vực phát triển năng động liền kề.

Đồng tình với quan điểm này, kiến trúc sư Lã Hồng Sơn (Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội) cho rằng, mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô trong tương lai hoàn toàn không mâu thuẫn với mô hình chùm đô thị (đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và thị trấn) hiện nay. Do vậy, có thể đề xuất định hướng cho quy hoạch, xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới với việc hình thành thành phố Bắc sông Hồng theo mô hình thành phố đơn cực đa trung tâm.

Như vậy, có thể thấy, từ xu hướng chung của thế giới về phát triển mô hình “đô thị sân bay” cho đến ý tưởng đang được đặt ra tại một số thành phố lớn trong nước, đối chiếu với điều kiện và cơ sở thực tiễn tại Hà Nội, các chuyên gia quy hoạch đô thị kỳ vọng, mô hình này có thể tạo ra cực phát triển mới, năng động, có sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển chung toàn thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Đô thị sân bay'' - cơ hội phát triển cho Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.