Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đình Thổ Quan, ngậm ngùi di sản

Trung Hưng| 31/10/2012 05:44

(HNM) - Năm 1993, đình Thổ Quan (phường Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội) được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa. Từ đó, đã gần 20 năm, giữa cơn xô bồ đô thị hóa, đến nay khó ai có thể nhận ra đây là một di sản mang tầm cỡ quốc gia:

Từ đó, đã gần 20 năm, giữa cơn xô bồ đô thị hóa, đến nay khó ai có thể nhận ra đây là một di sản mang tầm cỡ quốc gia: Đình bị chợ bủa vây, trong đình có bốn hộ ở nhờ và chua xót hơn cả là đất đình bị lấn chiếm, tập kết vật liệu xây dựng, rác thải… không thương tiếc. Thảm cảnh không chỉ dừng ở đó. Nhiều ý kiến người dân cho rằng, một phần diện tích đình đã và đang bị chiếm đoạt, phục vụ cho mục đích khác.

Để vào đình Thổ Quan, bà con phải đi từ… bên hông.



Từ việc không được bảo vệ…

Theo thần phả, đình Thổ Quan thờ ba vị thần: Hiển Hựu Đại Vương, Quý Minh Đại Vương và Phương Dung Công Chúa. Các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê đều có truy phong mỹ tự và phong hàm thượng đẳng Phúc thần. Văn bia đình Thổ Quan năm 1894 ghi: Tương truyền đình xưa nhỏ bé, có từ lâu đời, qua nhiều lần trùng tu hiện trạng còn đến ngày nay là ở lần dựng lại năm Giáp Ngọ 1894, đời vua Thành Thái do ông quản cơ Lê Đình Khôi đứng ra hưng cống. Sau Cách mạng Tháng Tám, đình Thổ Quan là trụ sở của tự vệ chiến đấu làng Thổ Quan. Năm 1993, đình Thổ Quan được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa. Biên bản đề nghị xếp hạng di tích của Sở Văn hóa - Thông tin thành phố Hà Nội (nay là Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch), ghi rõ khu vực I (bản thân di tích - khu vực bất khả xâm phạm) bao gồm đình Thổ Quan, phía đông giáp đường đi bên và khu hồ đình trong, phía tây giáp khu dân cư và đường ngõ vào, phía nam giáp hồ đình ngoài, phía bắc giáp khu dân cư; khu vực II liền sát, còn lại không có khu vực III là cảnh quan thiên nhiên của di tích vốn gắn bó với giá trị, vẻ đẹp chung… Từ đó đến nay khó ai có thể nhận ra đây là một di sản mang tầm cỡ quốc gia. Ngay trong khuôn viên đình, hiện đang có bốn hộ gia đình "ở nhờ" đã hàng chục năm nay.

… đến chuyện tranh chấp

Tình trạng trên của đình Thổ Quan, di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia kéo dài đã lâu. Người dân bức xúc, nhiều lần phản ánh, kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý. Mọi chuyện trở nên "nóng sốt" hơn khi Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Liên hiệp I có công văn số 68/CV- HTXNN- LH1 ngày 16-11-2009 gửi UBND quận Đống Đa xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm thực hiện dự án khu vui chơi giải trí khu vực hiện đang bị hoang phế đề cập ở trên. Trước đó, ngày 14-10-2009, HTX nông nghiệp Liên hiệp I đã có công văn số 136-HTXNN-LHI trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố xin ý kiến về quy hoạch của dự án này. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có công văn trả lời "về mặt quy hoạch là chấp thuận được, tuy nhiên, chủ trương, mục đích lập dự án đầu tư phải được sự chấp thuận của UBND quận Đống Đa". Trên cơ sở này, UBND quận Đống Đa có văn bản số 337/UBND- KT ngày 28-5-2010 gửi UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, chấp thuận về chủ trương với mục tiêu "tạo việc làm cho bà con xã viên HTX, đồng thời góp phần vào cải tạo cảnh quan khu vực, đáp ứng một phần nhu cầu vui chơi, giải trí, tập luyện thể thao của bà con nhân dân phường".


Khu vực đất thuộc đình - theo nhiều người dân hiện giờ bị bỏ hoang, biến thành nơi đổ rác thải, tập kết vật liệu xây dựng như thế này.


Diện tích thực hiện dự án rộng 1.892m2, theo HTX nông nghiệp Liên hiệp I là do đơn vị này quản lý, trong khi đó người dân cho rằng đó là "đất của đình, trong ranh giới bảo vệ di tích". Trong đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Đình Hùng (ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan) phản ánh, khu vực bị hoang hóa ở trên nằm trong quần thể di tích lịch sử đình Thổ Quan. Trước đây, khu vực này vốn là hồ đình lớn chuyên thả cá, rau muống do HTX nông nghiệp Thổ Quan (tiền thân của HTX nông nghiệp Liên hiệp I) quản lý nhưng đã để hoang hóa, lấn chiếm, đổ phế thải gần 20 năm nay. Ông Hùng bức xúc: Năm 1993, Nhà nước có quyết định xếp hạng đình Thổ Quan là di tích lịch sử cấp quốc gia. Như vậy, liệu khu đất trên HTX nông nghiệp Liên hiệp I Thổ Quan có còn được quản lý và sử dụng? Đây cũng là bức xúc chung của nhiều đảng viên, nhân dân trên địa bàn. Ông Phạm Trọng Anh, Bí thư chi bộ 4 (khu dân cư số 4) cho rằng: Của đình thì phải trả lại cho đình.

Trong đơn kiến nghị ngày 2-10-2012 gửi Chủ tịch UBND quận Đống Đa, ông Nguyễn Đình Hùng tha thiết đề nghị "giữ nguyên trạng di tích để phục vụ việc tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử của đình" và "có biện pháp ngăn chặn việc lấn chiếm, xây dựng không phép cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng của các tổ chức, cá nhân tại khu vực hồ đình lớn". Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư số 4, cũng cho hay: Người dân đều mong mỏi điều này.

Nỗi lo của người dân không phải không có cơ sở khi có thông tin cho rằng việc HTX nông nghiệp Liên hiệp I đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng, thực chất là phục vụ cho quyền lợi của một số cá nhân khi trên thực tế, HTX nông nghiệp Liên hiệp I gần như không còn hoạt động.

Lời hứa của chính quyền

Trước những thông tin này, ông Ngô Doãn Cương, Chủ tịch UBND phường Thổ Quan cho biết: Phường muốn thu hồi (khu vực đất bỏ hoang nêu trên - PV) từ lâu nhằm cải tạo lại đình, đồng thời xây dựng công trình công ích phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, khi làm lại vướng nhiều chỗ. Ngay việc di dời bốn hộ ở nhờ cũng không dễ dàng bởi lấy đâu chỗ cho họ tái định cư. Sau khi kè mương xong (phía trước đình - PV), chúng tôi còn lo không giữ được đất do không gian đã đẹp lên. Trước mắt chúng tôi đề nghị rào lại đã.

Trong báo cáo số 64/BC- UBND gửi HĐND - UBND quận Đống Đa về việc trả lời ý kiến cử tri trong xác định chủ thể hiện đang sử dụng đất hồ đình lớn, mặc dù cho rằng "HTX nông nghiệp Liên hiệp I là đơn vị chủ quản thửa đất", ông Ngô Doãn Cương đã đề đạt ý kiến "hộ" người dân: "Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hiện HTX sử dụng không có hiệu quả, để hoang hóa, gây ảnh hưởng đến môi trường và an ninh trật tự và kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi, giao lại cho UBND phường quản lý để xây dựng khu sinh hoạt cộng đồng và mở rộng, tu bổ di tích lịch sử đình Thổ Quan khang trang, đẹp đẽ hơn". Cá nhân ông Ngô Doãn Cương cũng cho biết, rất hy vọng làm được việc này "trong nhiệm kỳ của mình".

Đây có thể được xem là một lời hứa của chính quyền cơ sở đối với những tranh cãi xung quanh chuyện "của đình phải trả lại đình". Cần phải nhắc lại là trong văn bản số 3102/VHTTDL - QLDT của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch gửi UBND quận Đống Đa ngày 18-10-2012 cũng nêu rõ: Vị trí HTX nông nghiệp Liên hiệp I Thổ Quan xin ý kiến về quy mô và nội dung quy hoạch mặt bằng của dự án khu vui chơi giải trí có một phần nằm trong khu vực bảo vệ I về phía trước của di tích (vốn là khu vực phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian - PV). Chúng tôi hy vọng rằng đình Thổ Quan, một di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, sẽ có được "cái kết có hậu".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Thổ Quan, ngậm ngùi di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.