(HNM) - Thống kê cho thấy, có khoảng 52% học sinh trung học phổ thông sử dụng xe đạp điện, xe máy điện; khoảng 90% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em trong 3 năm qua rơi vào lứa tuổi học sinh trung học phổ thông, trong đó 55% do xe máy điện và xe đạp điện.
Hiện, Luật Giao thông đường bộ chưa có quy định về độ tuổi được phép điều khiển cũng như yêu cầu phải có giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe điện. Điều này dẫn tới thực trạng học sinh đi loại xe này phổ biến như hiện nay.
Bên cạnh đó, Luật quy định xe đạp điện là loại xe thô sơ, không phải đăng ký như xe máy điện, xe máy nên xuất hiện nhiều xe không được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn chất lượng, nhưng vẫn tham gia giao thông. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến loại phương tiện này.
Đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, những năm vừa qua, tai nạn giao thông ở các nhóm tuổi khác giảm, nhưng riêng nhóm tuổi 15-18 có xu hướng tăng; chiếm đến 80% và đa số bằng xe đạp điện, xe máy điện. Vì vậy, bảo đảm an toàn giao thông đối với đối tượng này đang là vấn đề cấp thiết và cần sớm phải có quy định, chế tài nghiêm khắc hơn để quản lý.
Có một thực tế là những người đi xe đạp điện đều mong muốn đi nhanh hơn và không phải đạp như xe đạp thông thường. Đáp ứng mong muốn này, các nhà sản xuất sẵn sàng nâng tốc độ xe trong quá trình thiết kế, chế tạo. Vì vậy, xe đạp điện không đơn thuần là xe đạp nữa mà là xe máy điện.
Đã đến lúc không nên cứng nhắc quy định coi xe đạp điện là xe thô sơ, mà phải quy định là xe gắn động cơ để quản lý như xe cơ giới.
Hay nói cách khác, nếu không quy định cứng được tốc độ tối đa của phương tiện này, thì phải định nghĩa lại xe đạp điện một cách rõ ràng, minh bạch, xe không cần đạp mà vẫn chạy bằng động cơ điện thì phải quy định là xe máy điện để từ đó có cơ chế quản lý phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.