Cùng với việc hoàn tất đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đến nay các định hướng phát triển không gian, đặc biệt là không gian đô thị thành phố đã rõ hình hài.
Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Trưởng phòng Sau quy hoạch (Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội) Trịnh Quang Dũng về nội dung này.
- Với đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đề nghị ông cho biết những thay đổi mô hình đô thị của thành phố trong thời gian tới?
- Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 (Quy hoạch 1259) xác định cấu trúc đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn. Tuy nhiên, sau hơn 13 năm, tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh còn chậm.
Tại lần điều chỉnh này, mô hình cấu trúc phát triển của Quy hoạch 1259 vẫn được kế thừa. Hệ thống đô thị của Thủ đô gồm chùm đô thị đa cực, đa trung tâm. Trong đó, đô thị trung tâm gồm đô thị phía Nam, đô thị phía Đông sông Hồng; bên cạnh đó là đô thị thành phố phía Bắc; đô thị thành phố phía Tây; đô thị vệ tinh Sơn Tây; đô thị vệ tinh Phú Xuyên; 3 thị trấn sinh thái và 7 huyện lỵ. Về dự kiến khu vực phát triển đô thị, toàn bộ thành phố Hà Nội là đô thị đặc biệt, trong đó khu vực thành phố phía Bắc, thành phố phía Tây là đô thị loại 1; đô thị Sơn Tây là đô thị loại 2; đô thị Phú Xuyên là đô thị loại 3. Các thị trấn là đô thị loại 4 và 5.
- Các vùng đô thị sẽ phát triển như thế nào, thưa ông?
- Đô thị trung tâm tiếp tục phát triển về phía Tây và phía Nam. Khu vực đô thị phía Đông gồm quận Long Biên, huyện Gia Lâm. Khu vực đô thị phía Bắc gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Khu vực đô thị phía Tây với trọng tâm là đô thị Hòa Lạc và khu vực đô thị phía Nam có trọng tâm là đô thị Phú Xuyên.
- Ông có thể cho biết chức năng của từng vùng đô thị?
- Đô thị trung tâm, từ vành đai sông Đáy đến khu vực phía Nam sông Hồng, có chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, lịch sử, dịch vụ. Diện tích khoảng 133km2, dân số đến năm 2045 khoảng 2,81 triệu người. Với đô thị phía Đông, toàn bộ huyện Gia Lâm được quy hoạch thành khu vực phát triển đô thị. Diện tích tự nhiên của đô thị phía Đông là 176km2, dân số đến năm 2030 khoảng 0,85 triệu người. Với đô thị phía Bắc, dự kiến trước mắt, huyện Đông Anh được nâng cấp thành quận. Khi bảo đảm các điều kiện phát triển, thành phố phía Bắc sẽ được thành lập. Khu vực này có diện tích tự nhiên hơn 632km2, dân số đến năm 2030 khoảng 1,96 triệu người, đến năm 2045 khoảng 2,7-2,9 triệu người. Thành phố phía Tây gồm đô thị Hòa Lạc và Xuân Mai sáp nhập lại. Trong bản vẽ hiện nay mới xác định khu vực nội thành, phần ngoại thị sẽ được xác định trong giai đoạn thành lập thành phố.
Đô thị Sơn Tây, gồm toàn bộ địa giới hành chính thị xã Sơn Tây, dự kiến sẽ nâng cấp thành thành phố trong giai đoạn sau năm 2030. Đây là khu vực có tính chất giáo dục, đào tạo, y tế, công nghệ cao và kết nối với khu vực đô thị trung tâm bằng trục đường Láng - Hòa Lạc và tuyến đường sắt đô thị số 8. Khu vực đô thị phía Nam gồm các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Trong đó, huyện Thường Tín nằm trong đô thị trung tâm, Phú Xuyên dự kiến hình thành đô thị loại 3, hỗ trợ cho sân bay phía Nam Hà Nội. Khu vực này có diện tích tự nhiên khoảng 303km2, dân số khoảng 1,6 triệu người, có chức năng dịch vụ logistics, thương mại và công nghiệp hỗ trợ.
- Vậy sau điều chỉnh quy hoạch chung, định hướng phát triển các trục không gian sẽ như thế nào, thưa ông?
- Các trục được định hướng nghiên cứu là trục sông Hồng; trục Hồ Tây - Ba Vì; trục Nhật Tân - Nội Bài; trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa và trục liên kết phía Nam. Trong đó, trục sông Hồng sẽ khai thác cảnh quan, bảo đảm phát triển đô thị hai bên sông. Thành phố sẽ đầu tư xây dựng thêm một số cầu kết nối đô thị trung tâm với khu vực quận Long Biên, huyện Gia Lâm, Đông Anh. Trục Nhật Tân - Nội Bài kết nối lên khu vực sân bay Nội Bài, đi qua huyện Đông Anh, sẽ tập trung phát triển trung tâm tài chính - kinh tế, tạo động lực cho huyện Đông Anh - sau này sẽ là hạt nhân thành phố phía Bắc.
Trục Hồ Tây - Cổ Loa là trục không gian tiếp nối từ phía Cổ Loa với Hồ Tây, tạo thành trục cảnh quan quan trọng liên kết quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong khi đó, trục Hồ Tây - Ba Vì là trục văn hóa, cơ bản giữ nguyên định hướng từ Quy hoạch 1259, nhưng tại các đoạn Hồ Tây - quốc lộ 32, quốc lộ 32 - Vành đai 4 được nghiên cứu điều chỉnh quy mô mặt cắt và hướng tuyến để phù hợp với thực tiễn. Đoạn Vành đai 4 - Ba Vì sẽ tiếp tục triển khai với các định hướng mới, để kết nối đô thị trung tâm với thành phố phía Tây; kết hợp nghiên cứu thêm các điểm TOD (phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm). Trục phía Nam là trục xanh, kết nối đô thị Nam sông Hồng với khu vực phía Nam, liên kết với sân bay thứ hai của thành phố và quần thể di tích Quan Sơn - Hương Sơn, tạo nhiều không gian mở, không gian công cộng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.